Công đồng Ajuthia năm 1664

 

 

 

 

Ngày 22.8.1662, Đc Lambert đặt chân tới Ajuthia, lúc đó là kinh đô Xiêm La. Cùng với ngài, có hai linh mục thừa sai là cha Bourges và cha Deydier.

Gần một năm sau, ngày 20.7.1663, ngài cùng cha Deydier xuống tàu đi Trung Hoa. Tàu gặp bão tố ngoài khơi Cam Bốt, họ phải dùng đường bộ trở lại. Họ về tới Ajuthia ngày 15.9.

Một tháng sau, ngày 14.10, cha Bourges rời Ajuthia, lên đường về Pháp.

Sang năm 1664, ngày 27.1, Đc Pallu cùng bốn linh mục và một giáo dân tới được Ajuthia.

Như thế, vào thời điểm đó tại Xiêm La, nhóm thừa sai Pháp gồm tất cả là hai giám mục, năm linh mục và một giáo dân. Họ sẽ làm gì trong năm 1664 này ? Chúng ta biết gì về công đồng Ajuthia cử hành vào năm đó ? Về « Huấn Thị gửi các thừa sai » (Monita ad missionarios) ? Nhất là về « Hội Dòng Tông Đồ » (Congregatio Apostolica) ? Và tại sao Đc Pallu đã không sang Đàng Ngoài lúc đó ? Tại sao Đc Lambert cũng đã không đi Trung Hoa hoặc sang Đàng Trong ? Và các vị thừa sai khác đã làm gì ? Sau cùng, tại sao Đc Pallu trở lại Âu châu ? Những quyết định chung này đã diễn ra như thế nào, và vào lúc nào ?

Những dòng sau sẽ là một cố gắng trả lời cho những câu hỏi trên, nghĩa là một cố gắng tìm hiểu về sinh hoạt của các thừa sai Pháp tại Xiêm La vào năm 1664.*[1]

Chúng ta sẽ lần lượt xem qua ba phần chính yếu sau :

- Năm 1664 tại Ajuthia.

- Huấn Thị gửi các thừa sai.

- Hội Dòng Tông Đồ.

 

 

I. Năm 1664 tại Ajuthia

 

 

Cha Bourges đã giới thiệu kinh đô Ajuthia vào những năm 1662-1664 như thế này :

 

« Tôi không tin là có xứ nào trên địa cầu có lắm tôn giáo mà lại được phép thực hành hơn là tại xứ Xiêm La. Những lương dân, Kitô hữu và tín đồ Mahomed, chia ra nhiều giáo phái, tất cả đều được tự do theo việc thờ phượng mà mình coi là tốt lành nhất. Người Bồ Đào Nha, Anh quốc, Hòa Lan, Trung Hoa, Nhật bản, Peguans, Cam Bốt, Malaque, Đàng Ngoài, Chàm và nhiều dân khác phía miền nam đều có cơ sở tại Xiêm La. Có tới gần 2.000 người Công Giáo, phần lớn là người Bồ Đào Nha, từ các nơi khác nhau tại vùng Ấn Độ Dương, bị xua đuổi nên đến cư ngụ tại Xiêm La, nơi mà họ lập thành từng khu riêng tạo nên ngoại ô thành phố. Họ có được 2 nhà thờ công cộng, một dưới sự điều khiển của các cha dòng Tên và một do các cha dòng thánh Đa Minh cai quản. Họ cũng được tự do giữ đạo y như ở Goa : người ta làm việc thờ phượng, giảng dạy, rước kiệu Thánh Thể. »*[2]

 

Đc Lambert xác nhận tình trạng đạo công giáo tại Ajuthia rằng có « gần 2000 linh hồn kẻ có đạo gần như bị bỏ rơi nơi đây, dù bên cạnh có tới 4 cha dòng Tên, 3 cha dòng Đa Minh, 2 cha dòng Phanxicô và 4 giáo sĩ triều. »*[3]

Đó là khung cảnh nơi nhóm thừa sai người Pháp tạm trú.

 

* Đức cha Pallu tới Xiêm La

Như vừa nói, ngày 27.1.1664, Đc Pallu cùng bốn linh mục và một giáo dân tới được Ajuthia. Bốn linh mục này là các cha Laneau, Chevreuil, Hainques và Brindeau ; và ông giáo dân là ông Chamesson.*[4]

Đc Pallu kể chuyện các ngài tới được Ajuthia như sau :

 

« Chúng tôi xuống dòng sông thứ hai dẫn tới thành phố Băng Cốc nơi nó gặp dòng sông Xiêm La. Thành phố này được xây bên bờ hai dòng sông. Phía bên dòng sông Xiêm La, có một pháo đài bằng gạch nung, đối diện bên kia cũng có một pháo đài như vậy. Chúng tôi thấy có một vài cỗ súng đại bác ở đó. Chúng tôi ngược dòng sông thứ hai từ trưa ngày 25 đến ngày 27 cùng giờ thì tới đồn hải quan Juthia, kinh đô vương quốc Xiêm La. Lòng sông thật rộng và rất sâu, các con tàu theo đó mà lên tận kinh đô, đôi bờ xinh đẹp và dân ở khắp nơi. Tất cả là một khung cảnh thật dễ chịu. Nhưng chúng tôi không thể cảm thấy niềm vui cảnh thiên nhiên này khi nghĩ đến Chúa Giêsu Kitô chưa hề được những dân tộc nơi này biết đến, và ít kẻ lo phần ích của Chúa chống lại ma quỷ. Ma quỷ thì quyến dũ người dân và kềm giữ họ trong những mê tín dị đoan, dành lấy sự thờ phượng mà chỉ dành duy nhất cho Thiên Chúa.

Chúng tôi liền báo tin cho Đức Giám Mục Bêritê. Ngài chưa hề nhận được tin chắc chắn rằng chúng tôi đã tới vương quốc này, bởi vì những thư từ mà chúng tôi viết gửi ngài từ Tenasserim đã không được trao lại cho ngài. Ngài đã mau mắn giúp chúng tôi có được giấy tờ mà tự do đi lên tận thành phố. Vì con thuyền của chúng tôi buộc phải đợi tới ngày hôm sau do trời tối, chúng tôi đã dùng một con thuyền mà một anh em thân thương đã đem đến cho chúng tôi để đến bên ngài ngay ngày hôm đó. Ai lại chẳng hiểu nỗi sung sướng mà chúng tôi cảm nhận khi gặp lại nhau và hồng ân mà chúng tôi phải tạ ơn Chúa đã rộng ban cho chúng tôi được đoàn tụ lại vì lợi ích việc truyền giáo. Chúng tôi đặc biệt vui mừng nhìn thấy một ngôi nhà thờ đã dựng, một số giáo dân mà Chúa đã cho nhờ sự chăm sóc tận tụy của ngài. »*[5]

 

* Ngày hội ngộ 27.1.1664

Còn về phần Đc Lambert, ngài tường thuật chuyện hội ngộ rằng :

 

« Đc Héliopolis và các cha Chevreuil, Brindeau, Hainques và Laneau, thừa sai tông tòa, và ông Chamesson, giáo dân, đến thành phố Xiêm La, ngày 27 tháng 1 năm 1664.

Vì những thư từ mà người ta gửi cho chúng tôi từ Tenasserim đã bị chận giữ lại, các thừa sai ở Xiêm La chỉ được biết các vị tôi tá trung thành của Chúa đến đây do một trong các vị ấy đến báo tin. Vị ấy báo rằng con thuyền của họ bị giữ lại, theo thói quen, cách thành phố một dặm đàng, chờ đợi phép được thông hành.

Phép thông hành thì dễ dàng xin được thôi. Họ được an ủi khi thấy mình đoàn tụ lại với nhau ngày hôm sau đó do một sự quan phòng thật đặc biệt của Chúa. Họ đã quy định cùng nhau ngay từ lúc ban đầu rằng sẽ không nói chuyện tin tức nào trong 3 ngày, và sẽ chỉ lo tạ ơn lòng nhân lành của Chúa đã cho họ được gặp nhau cách rất đỗi lạ lùng như thế. » *[6]

 

* Ba ngày hay năm ngày ?

Lòng đạo đức và khả năng tự chủ của nhóm thừa sai người Pháp này thể hiện ra trong việc họ cùng quyết định giữ thinh lặng, không hề trò truyện hay trao đổi tin tức gì trong vòng mấy ngày. Họ chú tâm cầu nguyện tạ ơn Chúa đã cho họ gặp lại nhau cách lạ lùng như vậy.

Tuy nhiên, có một thắc mắc nhỏ ở đây : họ đã thinh lặng ba ngày hay năm ngày ?

Có sử gia nói là : ba ngày, như Jean Guennou, Alain Forest, hay Françoise Fauconnet-Buzelin.*[7]

Lại có sử gia nói là : năm ngày, như Adien Launay, Louis Baudiment, Dirk Van der Cruysse, hay Gilles van Grasdorff.*[8]

Theo chúng tôi nghĩ, sở dĩ có sự sai biệt như vậy, trước tiên, là do đã có sự sai biệt ngay trong chính các văn bản nguồn rồi.

Đc Lambert nói tới chuyện này ở hai văn bản khác nhau : trong lá thư gửi cha Gazil tại Paris và trong ký sự truyền giáo của ngài.

1, Về lá thư gửi cha Gazil đề ngày 11.2.1664, chúng ta hiện có được hai bản : bản bút ký chính tay Đức Cha viết (AMEP, vol. 858, p. 71) và bản sao lại (AMEP, vol. 121, p. 567). Cả hai bản văn đều ghi là : ba ngày.

 

« Khi Đức cha Héliopolis và bốn thừa sai yêu quý của chúng ta và ông Chamesson đến đây, vì cẩn thận, tôi đã xin các ngài rằng chúng ta sẽ không nói chuyện tin tức nào trong ba ngày. »*[9]

 

2, Về ký sự truyền giáo, chúng ta hiện có được hai bản : bản AMEP, vol. 876, p. 72, (đây có vẻ là bản chính, và ghi là : 3 ngày) ; và bản AMEP, vol. 121, p. 661, (đây là bản sao chép lại, ghi là : 5 ngày)

 

« Họ đã quy định cùng nhau ngay từ lúc ban đầu rằng sẽ không nói chuyện tin tức nào trong 3 ngày, và sẽ chỉ lo tạ ơn lòng nhân lành của Chúa đã cho họ được gặp nhau cách rất đỗi lạ lùng như thế. »*[10]

 

Khi xuất bản cuốn Histoire de la Mission de Siam. Documents historiques, Tome I, (trang 11), vào năm 1920, Adrien Launay đã chọn bản AMEP, vol. 121, p. 661. Do đó, tất cả những sử gia sau này, ai căn cứ theo cuốn sách trên của Adrien Launay đều viết là nhóm thừa sai Pháp đã thinh lặng năm ngày. Đấy là trường hợp các sử gia Louis Baudiment, Dirk Van der Cruysse, hay Gilles van Grasdorff.

Sự thực lịch sử, như chúng ta thấy, là : ba ngày.

Tuy nhiên, điều này không phải là điều quan trọng. Điều đáng chú ý là lòng đạo đức, sự tự chủ và cách thức sống đạo nơi các ngài.

Và chúng ta cũng học được rằng khi lập lại điều người khác nói, đôi khi là lập lại cái nhầm lẫn của người ta đó.

 

* Mệt nhọc và bệnh hoạn

Các vị thừa sai vừa đến thì rất mệt mỏi. Họ cần phải nghỉ ngơi. Cha Laneau lại bị bệnh thủy thũng. Cha Chevreuil thì kiệt quệ sức lực. Đức cha Pallu bị chứng đau bụng liên tục. Trong lá thư đề ngày 7 tháng 2 gửi cho các cha giám đốc Chủng viện Paris, ngài còn nói : « Từ khi tôi đến thành phố này đến giờ, tôi gần như luôn luôn bị đau bụng. »*[11]

Đức cha Lambert cũng nói chuyện mệt mỏi và bệnh hoạn của họ trong thư gửi cha Gazil ngày 11.2.1664.*[12]

Đức cha Pallu cho hay những công việc của ngài khi mới tới Ajuthia như sau :

 

« Chúng tôi dùng mấy ngày để nghỉ ngơi sau những mệt nhọc cuộc hành trình. Chúng tôi đi chào hỏi những người quen biết và tất cả các bạn hữu. Tôi muốn nói các người Âu châu là người Bồ Đào Nha, người Anh và người Hòa Lan định cư tại thành phố này, và cách riêng là các cha hội dòng Tên và các tu sĩ dòng thánh Đa Minh. »*[13]

 

Những người mà Đc Pallu vừa nêu ra trên đều là người Âu. Dù họ khác nhau về quốc tịch và về tôn giáo, người Anh và người Hòa Lan theo Tin Lành, họ vẫn thấy gần gũi nhau nơi đất khách quê người. Sau này, các thừa sai người Pháp sẽ gặp phải nhiều khó khăn, không từ người Tin Lành, nhưng từ người công giáo, nhất là từ các tu sĩ thuộc chế độ bảo trợ truyền giáo.

 

* Dự tính lúc ban đầu

Vào lúc này, tháng 2 năm 1664, cái bận tâm đầu tiên của nhóm thừa sai Pháp là đi đến nơi Tòa Thánh đã chỉ định. Họ không thể quên lời căn dặn của Thánh Bộ trong Huấn Thị năm 1659 :

 

« Bằng hết sức lực mình, chư huynh phải cố gắng không ngừng để đến nơi truyền giáo sớm nhất có thể. Đó là nơi Thiên Chúa đã gọi chư huynh. Và chư huynh không được, dù dưới bất kỳ chiêu bài đạo đức hay bác ái nào, dừng chân trễ nải hay thay phương đổi hướng con đường chính của chư huynh, dù chỉ là một chút. Quả thực, sẽ là một sự bác ái vô trật tự, nhất là khi chư huynh quay lưng lại nỗi khốn khổ của những dân tộc đã được trao phó cho chư huynh để đi phục vụ những dân tộc khác. » (Phần II, đoạn 4).

 

Louis Baudiment cũng nhìn nhận rằng, đối với Đc Pallu lúc đó, « một trong những ý tưởng đầu tiên của ngài là thâm nhập vào được xứ Đàng Ngoài yêu quý của mình »*[14].

Lúc đó, nền thương mại đường biển giữa Xiêm La và Đàng Ngoài hay Đàng Trong chưa phát triển. Không có nhiều tàu bè qua lại. Nhưng Đc Pallu nghĩ ngài gặp được cơ may khi nghe tin có một vị quan theo đạo Hồi, tên Opra Tignera hay Signera, đang đóng một con tàu nhỏ để đi buôn hàng hóa sang xứ Đàng Ngoài.*[15]

 

« Khi tôi đến Xiêm La, tôi chỉ nhớ phải tìm những phương tiện và đường đi vô Đàng Ngoài là nơi chính cho sứ vụ của tôi.

Vì sự buôn bán giao thiệp giữa các cảng Xiêm La và Đàng Ngoài rất ít nên bắt buộc tôi phải lên tàu của nhà buôn Hồi giáo, mặc dầu tôi thấy trước là khi chấp nhận lời đề nghị của họ, tôi phải chịu tốn kém một chút. Thật vậy, vài ngày sau, tôi không thể bỏ qua mà không biết tới sự xã giao lịch thiệp của ông ta, nên tôi cho ông ta mượn không năm trăm quan tiền ê-cu. Nhưng ông ta đã không giữ lời với tôi, và sau khi trang bị tàu mà tôi sắp lên, ông ta tuyên bố là ông ta sẽ không hề đi Đàng Ngoài. »*[16]

 

Song song với ý định đi vào nơi truyền giáo, các thừa sai Pháp quyết định sẽ để lại tại Xiêm La hai người trong nhóm họ là cha Deydier và cha Laneau.*[17]

Đc Lambert cho ông Fermanel hay trong thư ngày 11.2.1664 :

 

« Chúng tôi đang làm việc cận lực để xuống tàu đi xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, điều có thể thành tựu được vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Ông sẽ biết tin chắc chắn qua những vị mà chúng tôi sẽ để lại tại thành phố này hầu dẫn dắt đoàn chiên nhỏ mà Chúa Nhân Từ đã ban cho chúng tôi nơi đây. »*[18]

 

Và cùng ngày, ngài cũng cho cha bề trên Gazil hay rằng :

 

« Tôi cố gắng hết sức để ra đi vào tháng 6 tới. Có thể tôi phải đi trong cùng con tàu đưa Đức cha Héliopolis sang Đàng Ngoài, ngược với ý thích của tôi là sang Đàng Trong yêu quý, để tới Trung Hoa mà tôi không thấy thú vị lắm. »*[19]

 

Trong thư gửi cha Bourges vào tháng 2 đó, Đc Lambert có tâm sự với cha Bourges rằng ngài rất tha thiết mong vào được nơi truyền giáo và được chết tại nơi truyền giáo. Nhân một lần nguyện ngắm, ngài muốn dốc lòng « kiêng thịt và ăn chay suốt những tháng ngày còn lại của đời mình, trừ ra ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống », ngay khi nào ngài vào được nơi truyền giáo*[20]. Ngài thêm :

 

« Tôi đã cho người nói chuyện với ông Conchy, bạn những người Hòa Lan, để đưa chúng tôi tới nơi truyền giáo. Ông ta đã vui vẻ nhận đề nghị của tôi. Do vậy, hy vọng rằng cùng một con tàu sẽ đem Đc Héliopolis và cha Brindeau sang Đang Ngoài, và sau đó đem tôi sang Trung Hoa với hai đồng nghiệp thân yêu và ông Chamesson. Chúng tôi để lại đây hai người trong số chúng tôi, vì những lý do mà cha đã biết. »*[21]

 

Tuy nhiên, những dự tính ban đầu đó của các thừa sai Pháp sẽ phải thay đổi rất nhiều vì các biến cố sẽ xảy đến, và với những tin tức sẽ nhận được. Chúng ta sẽ thấy sau. Bây giờ, chúng ta cần đề cập đến một dự tính khác của các thừa sai Pháp đồng thời với các dự tính vừa nói trên. Đó là họp công đồng.

 

* Họp công đồng

Đc Pallu nói :

 

« Đức cha Bêritê và tôi, chúng tôi tin rằng trước mặt Chúa, chúng tôi phải dốc lòng tìm kiếm Thánh ý Ngài qua cuộc hội thảo chung với tất cả các vị thừa sai của chúng tôi tại thành phố này. (…)

Thiên Chúa đòi chúng tôi phải hội họp lại với nhau sớm nhất có thể (…).

Tiếp đến, chúng tôi quyết định rằng để kéo được những ơn lành từ Trời xuống trên các buổi hội của chúng tôi, những buổi hội sẽ diễn ra trong suốt Mùa Chay (…) »*[22]

 

Phần ngài, Đc Lambert có vẻ hân hoan khi báo tin cho cha Gazil rằng :

 

« Cha sẽ vui khi hay biết quyết định của chúng tôi rằng, trong gần bốn tháng trời chúng tôi sẽ sống chung với nhau*[23], chúng tôi sẽ họp công đồng đầu tiên của chúng tôi trong ngôi nhà thờ nhỏ bé chúng tôi, ngôi nhà thờ đã được dâng kính thánh Giuse vinh hiển. Đó là một hiệu quả đặc biệt của Chúa Quan Phòng đã muốn chúng tôi quyết định chung nhiều sự vì ích lợi việc truyền giáo của chúng tôi và để chúng tôi cùng thống nhất với nhau cung cách sinh sống. »*[24]

 

Mùa Chay năm 1664 sẽ khởi sự vào thứ Tư lễ Tro ngày 27.2. Và tháng 2 năm nhuận 1664 sẽ có 29 ngày.

 

* Công đồng Ajuthia : tại sao ?

Tại sao ?

Theo lời Đc Lambert, họp công đồng vì ba lý do sau :

 

« Thứ nhất : nói chung, để đối phó với những sự vô trật tự rất lớn và sự vô kỷ luật của các giáo sĩ triều và các hội dòng tu sĩ trong khắp các nơi này ; nói riêng, để tránh được các cái xấu trên và tìm ra phương thế để khỏi rơi vào đó.

Thứ hai : để giải quyết nhiều trường hợp hệ trọng và khó khăn.

Thứ ba : để thiết định một đường lối chung cho các thừa sai hầu tất cả đều giống nhau nhất có thể, về cách hành động bên trong và bên ngoài. »*[25]

 

Đc Pallu cũng thấy rằng hai giám mục cần phải hội lại với nhau để cùng chung một ý mà quyết định nhiều điểm tối cần cho cách thức sinh hoạt chung phải giữ.*[26]

 

* Khai mạc công đồng Ajuthia

Chính Đc Lambert cho biết công đồng được khai mạc vào ngày cuối cùng tháng 2 năm 1664. Chúng tôi xin dịch thuật đoạn ký sự của ngài nói về điều này như sau :

 

« Sau khi được biết cuộc đời tươi đẹp và cái chết hạnh phúc của Đức cha Métellopolis và các cha thừa sai Meusnier, Périgaud, Chéreau, Brunel và Danville, và ngài Fortis de Claps, giáo dân, và sau khi đã thi hành nghĩa vụ sau cùng đối với các ngài, chúng tôi long trọng khai mạc công đồng vào ngày sau hết của tháng 2 năm 1664. Công việc rất đỗi quan trọng này đã khiến chúng tôi không thể chú tâm vào việc hoán cải các linh hồn như bình thường có thể làm được. »*[27]

 

Như thế có nghĩa là công đồng Ajuthia đã khai mạc vào thứ 6 ngày 29.2.1664, tại nhà thờ thánh Giuse trong khu Việt kiều ở kinh đô Ajuthia, xứ Xiêm La.

Chúng tôi thấy giữa tất cả những sử gia, mà chúng tôi đọc được, đã đề cập tới công đồng Ajuthia, chỉ có bà Françoise Fauconnet-Buzelin là nói tới thời điểm lịch sử này mà thôi*[28]. Ngay cả trong tác phẩm của sử gia rất uy tín, cha Josef Metzler, chúng ta cũng không biết được công đồng Ajuthia đã khai mạc vào lúc nào*[29]. Khác với bà Fauconnet-Buzelin, các sử gia đã không nói lên được, có lẽ vì họ không may mắn gập thấy tài liệu mà chúng tôi vừa trưng dẫn chăng ?

 

« Công đồng này đã khai mở vào ‘ngày cuối tháng 2’ và sẽ kéo dài một phần lớn tháng 3. »

 

Bà Fauconnet-Buzelin đã nói thế. Phần đầu câu nói thì đúng, có trích dẫn cụ thể : « ngày cuối tháng 2 », dù không cho biết trích dẫn từ đâu. Phần sau câu nói thì do suy luận riêng, không có trích dẫn. Phần chúng ta, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu xem công đồng diễn tiến ra sao, kéo dài bao lâu và kết thúc vào thời điểm nào.

 

* Tại công đồng Ajuthia

Để biết qua về đề tài và cách thức làm việc của các thừa sai Pháp trong công đồng Ajuthia, chúng ta sẽ đọc lại vài trang tập Đoản Ký của Đc Pallu.*[30]

 

« Trước hết, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải bảo đảm mình tránh khỏi mọi sự có thể hướng tới sự buông lỏng mà chúng tôi có thể từ từ dấn thân vào, với những lý do bề ngoài xem ra có vẻ như cho phép được xử dụng.

Thứ đến, chúng tôi nghĩ rằng bổn phận của chúng tôi là sớm tìm phương thế nào để loại trừ hoàn toàn sự buông lỏng và gầy dựng những việc thực hành thánh thiện và nghiêm ngặt hơn một chút, có thể nên gương mẫu cho mọi người, mà đặt hết lo lắng và tâm trí mình vào đó, theo đúng như tầm quan trọng của sự việc và danh dự chức vị chúng tôi đòi buộc.

Và sau cùng, để cho mình không bị nhầm lẫn bởi những quy tắc sai lệch, chúng tôi có trong tay cuốn Phúc Âm, bộ Giáo Luật, các Hiến Chương của các Đức Giáo Hoàng, các Sắc Lệnh đặc biệt của Thánh bộ Truyền bá Đức tin, gương sáng các vị lo việc tông đồ, nhất là thánh Phanxicô Xaviê mà cuộc sống, các hoạt động và các bước chân, nhưng nhất là các châm ngôn nằm trong những thư từ của ngài cung cấp cho ta những cách sống nghiêm chỉnh. Cứ tuân theo đó, người ta sẽ hứa hẹn cho chính mình những thành quả rất tốt đẹp và tránh được mọi lời trách móc. Bởi chưng, làm việc thiện không chưa đủ, nhưng còn phải làm theo những đường lối trong sáng, thẳng thắn và chính đáng nữa.

Sự suy xét trên đã từ từ đưa chúng tôi đến cuộc thảo luận về nhiều vấn đề (…) ».

 

Đó là tường thuật của Đc Pallu.

Với cái nhìn khách quan hơn, một sử gia hiện đại, Josef Metzler, đã tóm lược cách giản dị và rõ ràng rằng :

 

« Công đồng đã xét về ba đề tài chính :

1, Chỉ dẫn về phong cách các thừa sai Hội Thừa Sai Paris, về việc truyền giáo của họ và về tổ chức công việc truyền giáo ;

2, Thiết lập một chủng viện để đào tạo các linh mục địa phương ;

3, Lập ‘Hội Dòng Tông Đồ’.

Các cuộc thảo luận thì dựa trên Kinh Thánh, giáo lý các Giáo Phụ, Giáo Luật, các Sắc Lệnh của Giáo Hoàng và gương mẫu các thánh, cách riêng là thánh Phanxicô Xaviê. »*[31]

 

Đc Pallu đã cho chúng ta hay là các thừa sai Pháp muốn cử hành công đồng trong suốt kỳ Mùa Chay. Và cũng chính ngài sẽ cho chúng ta biết rằng công đồng đã diễn tiến qua những buổi hội thảo khác nhau, tuy chúng ta không rõ là có tất cả bao nhiêu cuộc họp và lịch trình ra sao. Sau nữa, chúng ta cũng không rõ là ông Chamesson, giáo dân người Pháp đi theo Đc Pallu, có tham dự thực thụ vào công đồng này hay không.

Và trong thời gian diễn ra công đồng, các thừa sai Pháp còn có những lo lắng và những hoạt động khác như chúng ta sẽ khám phá ra ngay sau đây.

 

* Chúa nhật thứ 1 Mùa Chay

Năm 1664, Mùa Chay đã bắt đầu với thứ Tư lễ Tro ngày 27.2 và người ta sẽ mừng lễ Phục Sinh vào ngày 13.4.

Chúa Nhật thứ 1 Mùa Chay rơi vào ngày 2 tháng 3.

Hôm đó, nhóm thừa sai Pháp tổ chức nghi thức rước sách trọng thể, với sự tham dự của các tu sĩ dòng Tên và dòng Đa Minh từ khu bên cạnh sang. Đó là do sáng kiến của nhóm Pháp đang tìm cách giao hảo với các tu sĩ và giáo dân khu Bồ Đào Nha. Dân chúng ở đó thì chưa hề bao giờ thấy một nghi lễ như vậy. Họ ngạc nhiên nhìn đoàn giáo sĩ và tu sĩ, y phục chỉnh tề, nghiêm trang cung kính, người này theo sau người nọ, thong thả theo đoàn rước.

Rồi ít lâu sau buổi rước, Đc Lambert ban bí tích Thêm Sức cho tất cả những giáo dân nào muốn, người Âu cũng như người Á.

 

* Ngày lễ thánh Giuse

Thời ấy, người công giáo có lòng sùng kính thánh Giuse cách đặc biệt. Các thừa sai Pháp đã chọn thánh Giuse làm quan thầy phù hộ cho công cuộc truyền giáo của họ. Đc Lambert đã dâng kính thánh Giuse ngôi nhà thờ ngài cho dựng lên tại khu Việt kiều. Năm 1664 này, chưa có chủng viện thừa sai Pháp tại Xiêm La. Mấy năm sau, khi tạo lập chủng viện, thì họ cũng sẽ dâng kính thánh Giuse.

Ngày lễ thánh Giuse 1664, các thừa sai Pháp mời hai cha bề trên cộng đoàn dòng Tên và cộng đoàn thánh Đa Minh cùng các tu sĩ của họ sang tham dự. Và « họ đã tới với các khí cụ âm nhạc, và ở lại suốt ngày hôm đó với các thừa sai, dự buổi chầu bốn mươi tiếng đồng hồ, Thánh Thể được trưng bầy đêm ngày với tất cả tự do như trong một xứ công giáo vậy ».*[32]

Tuy nhiên, cuộc sống ở Ajuthia sẽ không êm đềm, vui vẻ và hiền hòa như hình ảnh cuộc rước sách và buổi chầu Thánh Thể đâu. Các tin tức mới nhận và những biến cố xảy ra sẽ làm đảo lộn gần như hoàn toàn dự tính ban đầu của các thừa sai Pháp.

 

* Tin Nhật Bản và Trung Hoa

Vào kỳ đầu Mùa Chay, một con tàu của triều đình Xiêm La từ Nhật Bản trở về. Người ta cho hay rằng cuộc bách đạo vẫn tiếp tục cách tàn nhẫn trên đất Phù Tang. Năm qua, có tới 120 giáo dân chịu tử vì đạo. Và tình hình tại Trung Hoa vẫn không có gì là khả quan. Nhà Thanh đã tiếm quyền nhà Minh vào những năm 1644, lập triều đại mới. Các thừa sai, đặc biệt các cha dòng Tên, bị nghi kỵ, lại còn bị giam cầm nữa.

Năm trước, Đc Lambert và cha Deydier đã xuống tàu đi Trung Hoa. Chuyến đi bất thành, nhưng ngài vẫn giữ ý định sẽ trẩy sang đó vào dịp đi biển mùa hè sắp tới. Bây giờ, trước tin tức vừa nhận về hiện trạng truyền giáo bất khả thực thi tại Trung Hoa, phải trở về với thực tế. Người ta « chỉ còn nghĩ tới chuyện đi Đàng Ngoài và Đàng Trong mà thôi […] Một con tàu sẽ rời đây đi tới Đàng Ngoài, Đc Pallu tháp tùng bởi cha Brindeau đã sẵn sàng xuống tàu. »*[33]

Chúng ta thấy đã có sự thay đổi so với dự tính đầu tiên : Đc Lambert sẽ đi Đàng Trong thay vì Trung Hoa. Jean Guennou cũng có cùng nhận xét : « Ngài Đại diện Tông tòa thay đổi chương trình mình và quyết định vào Đàng Trong, trong khi Pallu sẽ đi Đàng Ngoài. »*[34]

Nhưng rồi, lại phải thay đổi. Trái với ý muốn hồi tháng 2 vừa qua, Đc Lambert sẽ không ra đi cùng trên chuyến tàu này để sang Đàng Trong. Đã xảy ra những chuyện không như dự đoán.

 

* Một con tàu từ Đàng Trong

Mấy ngày sau con tàu từ Nhật Bản, một con tàu khác của triều đình Xiêm La trở về từ Đàng Trong. Đây là « con tàu của thuyền trưởng Robin, thay vì đi Quảng Đông, đã bị dạt vào bến Hội An »*[35], nay về mang theo thừ từ và quà biếu của các cha dòng Tên đang rao giảng Tin Mừng tại đó.

Các cha cho biết năm ngoái đã có cuộc bách đạo tại Đàng Trong. Bốn tín hữu phải chịu tử hình vì đạo. Họ gửi cho Đc Lambert món quà là một mã tấu đã chém đầu vị anh hùng đức tin, một tấm chiếu và một tấm vải thấm máu các vị tử đạo. Họ còn đề nghị là Đc Lambert hãy tạm rời lại ý định sang Đàng Trong, e rằng sự hiện diện của vị Đại diện Tông tòa với chức phẩm giám mục sẽ không tạo thuận tiện cho Giáo Hội địa phương vào lúc này.

Vậy, Đc Lambert nên lưu chân tại Xiêm La chờ thời cơ thuận tiện, hay cần phải sang Đàng Trong là giáo phận của ngài đang gặp khó khăn ?

 

* Tám lương dân xứ Đàng Trong

Lại thêm một chuyện khác, vẫn vào dịp đầu tháng 3 này.

Đó là chuyện lính Xiêm La bắt giữ một con thuyền có tám người đàn ông Đàng Trong tại vùng biển ranh giới giữa Cam Bốt và Xiêm La. Người ta nghi ngờ họ là những gián điệp của triều đình chúa Nguyễn. Họ bị giải về Ajuthia. Nhưng sau cùng, họ được minh oan và được trả tự do.

Tám lương dân Đàng Trong lưu lại tại Xiêm La sáu tuần lễ. Suốt thời gian này, họ được nghe các thừa sai giảng giải về đạo Chúa. Sau cùng, bốn người trong nhóm xin chịu phép Rửa Tội trước khi về quê hương.

Đc Lambert thấy đây là một cơ hội tốt để ngài sang Đàng Trong trên chiếc thuyền của tám người này. Nhưng sau cùng, Đc Lambert đã không ra đi.

 

* Đc Lambert cần ở lại Xiêm La

Đc Lambert thường xuyên nghĩ rằng ngài phải sang giáo phận của ngài. Nhưng lúc đó, tất cả các thừa sai đều khuyên ngài nên chờ sang năm tới. Mặt khác, ngài cần tạm thời ở lại Xiêm La vì lợi ích của toàn thể công cuộc truyền giáo của họ.

Chúng ta sẽ thấy, chẳng ai đoán trước được, nhưng đất Xiêm La đang từ từ trở nên trung tâm truyền giáo của các thừa sai người Pháp. Bởi thế, có lẽ cần phải có một người đứng đầu trung tâm, rộng khôn ngoan và cao bản lãnh.

 

* Cha Chevreuil đi Đàng Trong

Trong một lá thư viết cho cha Bourges, có lẽ vào tháng 5, Đc Lambert nói rất mong tin của cha Bourges từ Âu châu. Ngài còn mong sao Đc Pallu có được tin tức từ Âu châu trước khi xuống tàu sang Đàng Ngoài. Ngài nói thêm :

 

« Về công việc truyền giáo, cha sẽ biết ý kiến các thừa sai qua công đồng nhỏ của chúng tôi sẽ kết thúc trong vòng mười lăm hay ba tuần lễ nữa. »*[36]

 

Tới đây, quyết định của các thừa sai là Đc Pallu sẽ đi Đàng Ngoài với cha Brindeau. Và Đc Lambert sẽ tạm ở lại Xiêm La. Thay vào đó, cha Chevreuil sẽ sang Đàng Trong.

Đc Lambert viết cho cha Gazil rằng :

 

« Đức Cha [Pallu] sẽ ra đi trong ít ngày nữa với cha Brindeau sang Đàng Ngoài trên một con tàu tại đây, con tàu sẽ đi thẳng sang đấy. […] Cha Chevreuil cũng xuống tàu trong vài hôm nữa sang Đàng Trong. Cha sẽ làm việc tại nơi ấy và xem coi sự tôi sang đó có thể gây thiệt hại nào cho tôn giáo chăng, như các cha [dòng Tên] đã muốn thuyết phục tôi. Nếu Chúa Nhân Lành vẫn chưa muốn mở cánh cửa xứ Đàng Trong yêu quý cho tôi, tôi sẽ lại thử thêm một lần nữa sang Trung Hoa vào năm tới. »*[37]

 

Ngày 17.6, cha Chevreuil rời Xiêm La với một thông dịch viên.

Đc Pallu không sang Đàng Ngoài với cha Brindeau được, vì bị tay buôn người Hồi giáo lừa lọc vào phút cuối như đã nói trước đây. Con tàu người Hồi giáo trên thay vì đi Đàng Ngoài, sẽ đổi hướng sang Macao.

 

* Bế mạc công đồng

Thành thật mà nói, chúng ta chưa tìm được sử liệu nào cho biết chính xác công đồng Ajuthia hoàn tất vào lúc nào ? nghi thức bế mạc ra sao ? Tuy nhiên, khi suy xét về những sự cố xảy ra như vừa kể trên, chúng ta có thể nghĩ rằng công đồng Ajuthia khai mạc ngày 29.2 có thể đã kết thúc trễ lắm là trước khi Đc Pallu xuống tàu đi Đàng Ngoài như dự tính, tức vào khoảng cuối tháng 5 hay đầu tháng 6.

Công đồng đã kéo dài hơn dự định. Trước đây, Đc Pallu đã nói « để kéo được những ơn lành từ Trời xuống trên các buổi hội của chúng tôi, những buổi hội sẽ diễn ra trong suốt Mùa Chay ». Mà nay, Mùa Chay đã qua và người ta đã mừng Phục Sinh từ hôm 13.4 rồi.

Bây giờ là mùa hè, và mùa hè là mùa đi biển. Họ cần kết thúc công đồng để ra đi tới nhiệm sở truyền giáo. Và rõ ràng là cho tới đầu tháng 6, Đc Pallu và các thừa sai Pháp chẳng có tin tức chính xác gì về Giáo Hội tại Đàng Ngoài cả. Và họ vẫn tìm đủ mọi cách để sang được đó. Đc Pallu chứng thực rằng ngay trong lúc còn hội họp công đồng, các ngài vẫn luôn lo lắng tìm cho ra phương tiện để đến nơi đã được trao phó :

 

« Chúng tôi bận việc một cách rất hữu ích cho công cuộc truyền giáo của chúng tôi trong những buổi hội họp thường xuyên giữa chúng tôi về những đề tài mà tôi đã nêu ra trước đây. Việc này đòi hỏi chúng tôi phải lo nghiên cứu rất nghiêm chỉnh và liên tục. Dù thế, chúng tôi vẫn phải lo lắng tìm kiếm những phương tiện nào giúp chúng tôi đến những nơi truyền giáo sớm nhất có thể. »*[38]

 

Đc Pallu vừa nói đến những « buổi hội họp thường xuyên » thời cử hành công đồng. Nhưng ngài lại không nói gì về chuyện công đồng kết thúc, chuyện mà chúng ta muốn biết. Cái bận tâm chính nơi các ngài không phải là nói chuyện bế mạc công đồng, nhưng là phải sớm đến nơi truyền giáo.

 

* Sau công đồng

Kết quả sau cùng của công đồng là do Tòa Thánh. Nhưng trong khi chờ đợi phán quyết tối cao, chúng ta hãy thử nhìn xem thành quả tạm thời của công đồng ra sao.

Trong Đoản Ký, Đc Pallu kể rằng :

 

« Sau cùng, Đức cha Bêritê và tôi, với ý kiến của các giáo sĩ, chúng tôi nhận định rằng để có được nền tảng vững chắc cho dự định của mình, điều tuyệt đối cần thiết là :

Thứ nhất, xin Tòa Thánh đặt vị Đại diện Tông tòa cho xứ sở và thành phố Xiêm La như thủ lãnh và có quyền tổng quát trên mọi việc truyền giáo của chúng tôi.

Thứ hai, thành lập tại Xiêm La một Chủng viện chung làm nơi học tiếng nói các vương quốc lân cận, nơi đào tạo các thày giảng và nơi chuẩn bị chức linh mục cho những ai xét thấy là xứng đáng.

Thứ ba, xin phê chuẩn tại Rôma các điều lệ khác nhau mà chúng tôi xét thấy cần thiết cho cách sống của chúng tôi, hầu người ta tuân thủ dễ dàng hơn nếu được Tòa Thánh công nhận.

Thứ tư, xin quyết định về những khó khăn quan trọng, hoặc về phong tục tập quán, hoặc về kỷ luật giáo sĩ tại những nơi này. Phần đông các nhà truyền giáo thường khổ tâm không biết phải giải quyết vấn đề này làm sao, do đó nẩy sinh mối tranh chấp giữa họ và tổn hại cho đạo.

Sau cùng, tiên liệu nhiều điểm khác nữa mà sự chuẩn nhận không phải là ít quan trọng. »*[39]

 

* Hai con tàu đến từ Macao

Như vừa nói trên, ngày 17.6, cha Chevreuil rời Xiêm La đi Đàng Trong.

Vào những ngày đó, một con tàu Bồ Đào Nha từ thành phố Goa cập bến Xiêm La. Con tàu cho hay rằng hai cha thừa sai dòng Tên cuối cùng tại Đàng Ngoài đã bị trục xuất từ hồi tháng 11 năm vừa qua. Sang Batavia, cha bề trên Onufre Borges đã qua đời vào ngày 17.1.1664, và cha người Pháp tên Tissanier thì sẽ qua Xiêm La.

Từ lúc tới Ajuthia ngày 27.1.1664, nay Đc Pallu mới có tin chính xác về giáo phận Đàng Ngoài của ngài, tin giáo phận đang bị bách đạo. Chắc hẳn không phải là lúc ngài nên tới giáo phận của mình. Và quyết định sau cùng là Đc Pallu là sẽ không tìm cách tới giáo phận của ngài vào lúc đó nữa. Ngài kể :

 

« […] Trong lúc tôi khẩn nài người Hồi giáo ấy là phải giữ lời, thì tôi nhận được tin mới về Đàng Ngoài cho biết cuộc bách hại nổi lên dữ dội đối với các tín hữu, việc công bố niềm tin của chúng ta bị nghiêm cấm, và tất cả các vị rao giảng Phúc Âm bị đuổi khỏi xứ. Do đó, người ta đoán rằng việc cập bến của tôi vào xứ này là một điều tai hại đáng tiếc vì bất tuân lệnh nhà vua, lại một lần nữa kích thích cơn giận chưa nguôi đối với các tín hữu mới đó ; họ sẽ bị đặt vào cơn bách hại khủng khiếp mà không có linh mục. »*[40]

 

Một tháng sau, lại thêm một con tàu Bồ Đào Nha thứ hai cũng từ Goa đến.

Và cứ thế, đời sống, sinh hoạt, dự tính… của các thừa sai Pháp thay đổi nhịp nhàng theo những chuyến tàu đi đi về về nơi bến cảng Xiêm La.

 

* Hai cha dòng Tên người Pháp đến Xiêm La

Ngày 29.7, hai cha dòng Tên người Pháp tới Ajuthia trên một con tàu người Hòa Lan từ thành phố Batavia : cha Tissanier và cha Albier.

Các ngài là hai linh mục thuộc một hội dòng gần gũi, là hai đồng hương nơi chốn quê người xa lạ. Hai cha này đã đem lại rất nhiều tin tức truyền giáo vùng đó, cũng như tình nghĩa cho nhóm thừa sai Pháp. Đương nhiên, hai cha ở bên khu Bồ Đào Nha, trong cộng đoàn dòng Tên, nhưng hằng tuần các cha đều sang ăn cơm chung với nhóm thừa sai Pháp.

Những trao đổi qua lại của họ đã khiến cha Tissanier soạn thảo ra, vào cuối năm 1664 đó, một luận văn nhỏ bằng tiếng la tinh, tựa đề : Religiosus Negociator (Tu Sĩ Lái Buôn). Cha Tissanier trình bày và lý luận rằng các tu sĩ dòng Tên không nên làm việc buôn bán.*[41]

Cha Tissanier đã cho Đc Pallu biết nhiều về Giáo Hội tại Đàng Ngoài lúc đó. Và phản ứng của Đc Pallu lúc ấy là :

 

« Tôi thú thật là biết được tin tức về cuộc bách hại này làm tôi rất bối rối, thấy cánh cửa sứ vụ truyền giáo của tôi khép lại ; và tôi cảm thấy mong muốn khát khao được cứu giúp Giáo Hội này nếu phải hy sinh mạng sống. »*[42]

 

* Khi công đồng kết thúc

Chúng ta đã thú nhận không có đủ sử liệu để biết công đồng Ajuthia kết thúc chính xác vào lúc nào ? và như thế nào ? Ý riêng chúng tôi là có thể vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, như đã thưa. Về phần Đc Lambert và Đc Pallu, trong ký sự riêng của cả hai ngài, sau khi tường thuật chuyện cha Tissanier và cha Albier đến Xiêm La, thì nói :

 

« Những công việc của các thừa sai từ khi viết thư gửi qua ngã Manila và Mexicô vào cuối tháng 5.

Sau khi hoàn tất công đồng của họ và sau khi đã gieo đặt những nền móng cho công việc truyền giáo, công việc của họ là tiếp tục học các thứ tiếng. » (Đc Lambert).*[43]

 

Còn Đc Pallu thì viết :

 

« Những công việc của các thừa sai sau những buội hội họp của họ.

Cho tới bây giờ, các thừa sai đã đặc biệt bận bịu vào việc tìm tòi học hỏi và suy niệm những sự mà họ luận bàn đến trong các buội hội của họ. Những buổi hội khá nhiêu khê và mang hệ quả rất to lớn đó đòi hỏi nhiều sự chú tâm chăm chỉ.

Sau khi kết thúc những buổi hội thảo của họ, công việc của họ là tiếp tục những việc học tiếng. »*[44]

 

Hai đoạn văn nhỏ nhưng rất đặc sắc của hai nhân vật chính trên đây góp phần giúp chúng ta suy đoán được thêm diễn tiến và kết thúc của công đồng Ajuthia. Ngoài ra, chúng ta còn có được vài tài liệu khác có thể soi sáng thêm cho chúng ta về điểm này. Đó là vài chi tiết liên quan tới « Hội Dòng Tông Đồ ».

 

* Thực hành « Hội Dòng Tông Đồ »

Chúng ta sẽ trình bày kỹ hơn về « Hội Dòng Tông Đồ » ở phần tới. Nơi đây, chúng ta chỉ lưu ý đến sự kiện rằng Đc Lambert, và các thừa sai khác, đã giữ luật « Hội Dòng Tông Đồ » tại Xiêm La, như chính ngài kể ra trong một số thư từ của ngài viết vào tháng 10 năm đó.

Trước khi đọc lại những dòng thư của Đc Lambert viết vào tháng 10 năm 1664, chúng ta cần biết là việc thành lập « Hội Dòng Tông Đồ » với những kỷ luật nghiêm ngặt là một trong những quyết định chung tại công đồng Ajuthia.

Thư gửi cha Fermanel :

 

« Chúng tôi đã dấn thân giữ ơn nghĩa cách vĩnh viễn, bằng một nghị quyết dứt khoát của công đồng chúng tôi, mà nhờ ơn Chúa chúng tôi sẽ gửi đến cha ngay khi có dịp. Niềm hạnh phúc mà các bạn hữu chúng ta đem lại cho chúng tôi thì thật là khó tin nổi. »

 

Và Đc Lambert phấn khởi nói với cha Fermanel rằng thừa sai sẽ là người sống khó nghèo, chiêm niệm, cô tịnh, hoàn toàn từ bỏ mình, vác thánh giá bên ngoài, lo việc đền tội, vân vân ; nghĩa là đúng theo tinh thần « Hội Dòng Tông Đồ ».

Ngài thêm lời phê bình :

 

« Có kẻ tin mình đã sống nghèo qua ba lời khấn quen thuộc của họ, chỉ nghèo với dáng vẻ bề ngoài. Ta gặp kẻ như vậy khi xảy ra chuyện phải từ bỏ những lợi ích của hội dòng mình. »*[45]

 

Thư gửi hoàng thân Conti :

 

« Chính để tránh khỏi mối bất hạnh khốn nạn như vậy [tức tình trạng buông thả của nhiều thừa sai] mà chúng tôi đã tin là phải họp công đồng mà chúng tôi gửi về Rôma và về Pháp, hầu những ai sẽ tới đây sẽ biết cuộc sống thanh sạch mà bậc sống của chúng tôi đòi buộc. »*[46]

 

Những lời của Đc Lambert gửi cha Fermanel hay hoàng thân Conti là những lời chê trách đời sống buông thả của các thừa sai mà ngài đã gặp, và là loan tin « Hội Dòng Tông Đồ » vừa do công đồng thành lập.

Trong thư ngày 19.10.1664 gửi em trai ngài là cha Nicolas Lambert, Đức Cha tâm sự nhiều hơn :

 

« Ông ta [một người Pháp từ Xiêm La sẽ về Âu châu] sẽ mang về cho các bạn hữu chúng ta những huấn thị của công đồng đã được quyết định tại đây, với quan điểm mà các anh đã có về việc thành lập một tổ chức tông đồ. Anh không có lầm đâu, chính đó là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi nhóm người nhỏ bé của các anh, nhưng Ngài đã trì hoãn ban ánh sáng soi dẫn. Cho tới hiện tại, dự án đối với các anh xem ra tuyệt đẹp và tuyệt hợp với ơn gọi của chúng ta đến nỗi Đức Cha thánh thiện [Pallu] và tất cả các bạn chúng ta đang ở đây*[47], đã đem ra thực hành, và anh thì thấy như mình bị cưỡng bức phải bắt chước theo họ. Anh đã bị lầm trong việc này, vì đã tin rằng sẽ khó hơn ; nhưng sau khi vào việc và đã cảm nghiệm lòng nhân từ của Chúa, anh sẽ mạnh dạn khuyên tất cả ai được gọi vào đời tông đồ hãy vượt lên trên mọi khó khăn gặp trước cửa vào. »*[48]

 

Những dòng thư của Đc Lambert trên đây là quan trọng, giúp chúng ta thấy công đồng đã hoàn tất, các thừa sai đã thực hiện kỷ luật « Hội Dòng Tông Đồ ». Mặt khác, chúng ta cũng thấy là vào tháng 10 này, các thừa sai Pháp đã có cơ hội gửi thư từ và nhất là kết quả công đồng Ajuthia về Âu châu.

 

* Tìm những con đường

Hãy trở lại vào mùa hè.

Tới những ngày tháng 6 và tháng 7, Đc Lambert đã không thể đi Trung Hoa, cũng không thể sang Đàng Trong như dự tính. Cha Chevreuil đã rời Ajuthia ngày 17.6 và đến được Hội An ngày 26.7 sau. Đc Pallu thì cũng không đi tới Đàng Ngoài được như dự tính. Cánh cửa vào miền truyền giáo như khép lại ngay trước mắt họ. Liệu còn có những con đường nào khác khả dĩ dẫn tới miền truyền giáo chỉ định chăng ?

Mới đây có những di dân người Trung Hoa đến Ajuthia. Các thừa sai Pháp đến gặp gỡ và hỏi thăm. Các ngài nghe họ nói đến con đường từ Xiêm La đi ngang qua xứ Pêgu và xứ Ava (nay thuộc Miến Điện) dẫn sang Trung Hoa. Nhưng vì chiến tranh, tạm thời không thể lưu thông trên nẻo đường ấy.

Cũng còn con đường xuyên Lào, ít nguy hiểm hơn : từ Ajuthia tới Porcelouc là 20 ngày, từ Porcelouc tới Contai là 8 ngày, từ Contai đến Kintao là 10 ngày, thêm 7 ngày nữa thì đến kinh đô xứ Lào (mà Đc Lambert gọi là « Lanian »). Tại kinh đô Lào thì sẽ gặp đầy dẫy các thương nhân và sứ thần các vương quốc Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Cam Bốt. Cái khó là người ngoại quốc phải có giấy thông hành. « Ít ra, hy vọng rằng trong tương lai, các thừa sai có thể dùng tới con đường này. »*[49]

Đc Pallu đã từng mơ tưởng sang tới Đàng Ngoài bằng ngã Phi Luật Tân hay Lào. Ngài kể trong Đoản Ký :

 

« Qua các thư từ đến từ Manila, tôi được biết rằng thỉnh thoảng có tàu của người Tây Ban Nha qua lại Đàng Ngoài, và ngài Tổng Đốc tại Phi Luật Tân mới gửi sang đó một sứ bộ.

Người ta cũng cho biết là nhà vua Xiêm La có ý định làm một hiệp ước bang giao với vương quốc Lào. Bởi vì giữa Lào và Đàng Ngoài đường đi qua lại tự do, tôi tin rằng đến Lào thì đi Đàng Ngoài dễ hơn.

Nhiều lý do khác nhau đã cản trở tôi dùng đường Phi Luật Tân. Tôi bèn theo lời khuyên bạn hữu định thử đi đường Lào, tuy ít người lui tới, rất dài và lắm rủi ro. Nhưng viên quan lo thương mại Xiêm La, người mà tôi phải liên hệ để xin hộ chiếu, phản đối ý định này. Ông cho là có người Âu thì việc vào xứ Lào có thể sinh ra những nghi ngại và phương hại đến công việc làm ăn của Chủ nhân ông ta [tức nhà vua]. Vậy, đành phải chịu thua, dù tôi đã hết sức lo liệu kỹ lưỡng, mọi nẻo đường dẫn vào Đàng Ngoài đều khép chặt. »*[50]

 

Các thừa sai rất năng động tìm đủ mọi cách để vào tới nơi truyền giáo. Nhưng, như Đc Pallu nói, mọi nẻo đường đều khép chặt.

 

* Đc Pallu sẽ đi Âu châu

Chúng ta đã thấy vào tháng 10, các thừa sai Pháp gặp cơ hội gửi thư từ và nhất là kết quả công đồng Ajuthia về Âu châu. Và sử gia Jean Guennou thêm rằng :

 

« Cho tới ngày 21.10.1664, hoàn toàn không hề có chuyện đề cử bất kỳ ai về Âu châu cả. Cách nhau mấy ngày, đã có hai dịp để viết gửi thư từ, qua đó họ đã gửi đi nhiều thư tín, kể cả những nghị quyết của công đồng. Vào kỳ cuối năm, hai giám mục đã trao đổi ý kiến với nhau. Họ nhận thấy rằng một trong hai người cần phải trở về Paris và Rôma. »*[51]

 

Đúng thế, những lá thư cuối cùng của Đc Lambert viết trong năm 1664 mà chúng ta còn tìm lại được, đề ngày 21.10.1664, không hề nói năng chi tới chuyện đề cử ai về lại Âu châu cả. Lời khẳng định của Jean Guennou không phải là không có căn cứ.

Nhắc lại chuyện này, chính Đc Pallu nói rằng :

 

« Chúng tôi tin rằng cần một người trong chúng tôi đi Âu châu để theo đuổi việc thực hiện và quyết định về bao nhiêu điều đã dự kiến, bao nhiêu vấn nạn phải giải quyết, rất nặng nề và rất hệ trọng. Các sự việc đó chỉ có thể đề xuất, giải thích và tiếp tục theo đuổi bởi một trong các giám mục mà thôi. Phận sự của ngài sẽ là giúp chấp hành tuân thủ các điều sẽ được quyết định và hoàn tất tại Rôma. […] Nhưng vào lúc ấy, sức khỏe của ngài [Đc Lambert] rất yếu, chúng tôi không tin là ngài hứng chịu nổi, lần thứ hai, công việc và hiểm họa một cuộc hành trình kéo dài hai năm. Do đó, vì lợi ích gìn giữ cho vị giám mục này, trong khi nhờ ơn Chúa tôi lại tràn đầy sức sống, tôi bó buộc phải hy sinh cho cuộc thương lượng này. »*[52]

 

* Đc Lambert giải thích

Mọi người công giáo tại Paris, tại Rôma, tại Âu châu chờ đợi các anh hùng thừa sai đi rao giảng lời Chúa, cứu các linh hồn và mở mang Giáo Hội. Chẳng ai chờ đợi các ngài trở về Âu châu làm gì. Hơn ai hết, Đc Pallu và Đc Lambert hiểu cái hình ảnh, cái kỳ vọng và cái lý tưởng đó, nhất là nơi quý vị ân nhân. Bây giờ, Đc Pallu trở về. Chuyện có thể rắc rối, cần phải giải thích.

Đc Lambert nêu ra năm lý do biện minh chuyến trở về của vị đồng nghiệp :

-         Thứ nhất, để tường trình hiện trạng đạo công giáo tại những miền truyền giáo.

-         Thứ hai, xin thành lập « Hội Dòng Tông Đồ » quy tụ các thừa sai lại.

-         Thứ ba, giúp cải tổ tình trạng các tu sĩ tại vùng Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Hoa.

-         Thứ tư, cổ động Âu châu gửi thêm thừa sai truyền giáo.

-         Thứ năm, tường trình nguy hiểm phần rỗi của gần 2000 người Pháp và nhiều người công giáo khác đang làm việc cho các tàu Hòa Lan (thuộc ly giáo).*[53]

Đó là những dòng trong ký sự của ngài. Đương nhiên, ngài cũng không quên báo tin và giải thích trong nhiều thư từ riêng của ngài do Đc Pallu đem theo về Âu châu.

 

* Trước lúc chia tay

Đc Pallu và ông Chamesson rời Ajuthia ngày 17.1.1665.*[54]

Trước lúc chia tay nhau, hai vị giám mục đã đồng ký tên vào hai văn kiện quan trọng của công đồng Ajuthia là :

-         Huấn Thị gửi các thừa sai.

-         Hiến chương « Hội Dòng Tông Đồ ».

Hẳn nhiên, đây là hai văn kiện do mọi thành viên tham dự công đồng Ajuthia góp ý và soạn thảo. Nhưng với cương vị giám mục, người triệu tập công đồng, chữ ký sau cùng của các ngài là quan trọng. Cũng tựa như các văn kiện của công đồng chung do tất cả các nghị phụ góp phần soạn nên, nhưng chữ ký vẫn thuộc về Đức Giáo Hoàng là người triệu tập công đồng chung.

Chúng ta sẽ bàn rộng hơn về hai văn kiện nói trên.

 

&

 

Sau hai năm và ba tháng hành trình, Đc Pallu và ông Chamesson đặt chân được tới kinh thành Rôma ngày 20.4.1667.

Ngài đã trở lại Rôma không đúng lúc : Đức Giáo Hoàng Alexandre VII đang liệt giường và sẽ từ trần ngày 22.5.1667. Một tháng sau, ngày 20.6.1667, được bầu lên vị kế nhiệm là Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX.

 

&


II. Huấn Thị Ajuthia

 

 

Chúng ta đã xác định là vào tháng 10 năm 1664, các thừa sai Pháp có cơ hội gửi kết quả công đồng Ajuthia về Âu châu. Điều này rất phù hợp với nhận định của Jean Guennou :

 

« Cho tới ngày 21.10.1664, hoàn toàn không hề có chuyện đề cử bất kỳ ai về Âu châu cả. Cách nhau mấy ngày, đã có hai dịp để viết gửi thư từ, qua đó họ đã gửi đi nhiều thư tín, kể cả những nghị quyết của công đồng. »*[55]

 

Bây giờ, Đc Pallu về tới Rôma. Ngài sẽ lưu lại đây cho tới ngày 13.12.1667 mới trở sang Pháp. Suốt những tháng này, đương nhiên, ngài vận dụng hết khả năng để trình bày và xin Tòa Thánh chuẩn nhận những điều đã được quyết định tại công đồng Ajuthia năm 1664. Ngài được triều kiến Đức Giáo Hoàng vào tháng 10 năm đó.

Ngài trở về đến Paris ngày 21.1.1668, và được vua Louis XIV tiếp một tuần sau, ngày 28.1. Tại Pháp, ngài cho xuất bản tập Đoản Ký Truyền Giáo và Hành Trình, in xong ngày 28.4. Rồi ngài lại sang Rôma, và tới nơi ngày 20.11.1668.

Lần này, ngài sẽ lưu lại cho tới ngày 17.9.1669.

Sau hai thời kỳ khá dài làm việc tại giáo đô, Đc Pallu đã xin được sự chấp nhận của Tòa Thánh về nhiều điều quan trọng*[56]. Chúng ta chỉ đặc biệt lưu ý tới ba điều sau :

-         Tòa Thánh đặt xứ Xiêm La dưới quyền điều hành của các Đại diện Tông tòa người Pháp.*[57]

-         Huấn Thị gửi các thừa sai, hay Huấn Thị Ajuthia, được phê chuẩn.

-         Nhưng chương trình lập Hội Dòng Tông Đồ thì bị bác bỏ.

Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về Hội Dòng Tông Đồ trong phần tới. Ở đây, chúng ta sẽ xem qua Huấn Thị Ajuthia.

 

* Giới thiệu

Huấn Thị gửi các thừa sai (Monita ad missionarios) « là kết quả quan trọng nhất »*[58] của công đồng Ajuthia.

Đó là một tác phẩm chứa đựng nhiều kinh nghiệm : « Chúng con đã nghe nhiều, chúng con đã đọc nhiều ; nhưng chúng con còn thấy tận mắt nhiều hơn nữa… » (Thư trình Đức Thánh Cha).

Đó là một công trình tập thể : « Hợp chung ý kiến của chúng tôi với ý kiến của các anh em họp chung lại đây, chúng tôi [Đc Pallu và Đc Lambert] đã soạn thảo ra những Huấn Thị. » (Tâm Thư).

Tài liệu này là một niềm hãnh diện của Hội Thừa Sai Paris. Vì « giữa tất cả những tác phẩm về truyền giáo học đã xuất bản cho tới ngày nay, [Huấn Thị Ajuthia] là tác phẩm đạt thành công lớn nhất »*[59]. Tính ra, đã có tới 12 lần xuất bản bằng tiếng la tinh, 3 lần tiếng Pháp và 1 lần tiếng Việt. « Huấn Thị đã được Tòa Thánh phê chuẩn hoàn toàn vào năm 1669. Trong hơn ba thế kỷ qua, văn kiện này được hàng giáo sĩ [sic] dùng làm kim chỉ nam cho đời sống và hoạt động của mình. »*[60]

Khi kiểm duyệt Huấn Thị Ajuthia, « thần học gia lỗi lạc, Jean Bonna, tu viện trưởng tu viện Saint-Bernard, kiêm cố vấn thần học Thánh bộ Tín Lý, đã tuyên bố rằng : Quyển Monita tràn đầy tinh thần tông đồ, phù hợp với đức tin truyền thống Công Giáo và cần thiết cho các linh mục đang làm việc tại các xứ truyền giáo vì phần rỗi những người chưa tin. » (Lời Nói Đầu).

Năm 1669, việc in ấn Huấn Thị Ajuthia đã do chính Thánh bộ Truyền bá Đức tin đảm nhiệm tại nhà in riêng của Thánh Bộ. Công việc hoàn tất ngày 23.7, gồm 150 bản. Sau khi kính tặng Đức Giáo Hoàng, các vị Hồng Y, v.v., số còn lại được gửi sang Pháp. Tuy nhiên, khi Đc Pallu lên tàu rời Pháp ngày 11.4.1670, kiện hàng có những ấn bản Huấn Thị Ajuthia gửi từ Rôma năm trước vẫn chưa tới tay ngài.

Huấn Thị Ajuthia được viết bằng tiếng la tinh. Năm 1920, linh mục Albert Geluy dịch sang tiếng Pháp. Rồi năm 2004, Tòa Giám Mục Kon Tum dịch sang tiếng Việt : « Nhắn Nhủ Các Thừa Sai »*[61].

Huấn Thị gồm mười chương và một phụ lục :

Chương 1 và 2 nói về đời sống tu đức cá nhân của mỗi vị thừa sai. Chương 3 và 4, về cách thức làm việc truyền giáo. Chương 5, 6, 7 và 8 bàn từ việc gặp người chưa có đạo tới việc chăm sóc các tân tòng. Hai chương cuối, 9 và 10, về các giáo dân, cộng đoàn tín hữu, các thày giảng và về việc tiến chức linh mục.

Phần phụ lục, gồm bốn điểm, bàn rộng hơn về một số vấn đề giáo lý thường gặp thấy khi làm việc truyền giáo.

Jean Guennou, để giới thiệu linh đạo mà Huấn Thị đề nghị cho các thừa sai*[62], đã trích dẫn ra câu văn sau :

 

« Mỗi ngày Chúa chúng ta sẽ được hiến dâng bởi chính bàn tay họ trong lễ toàn thiêu đẹp lòng Cha toàn năng của Ngài. Các Thầy [linh mục] cũng vậy, họ phải ước mơ hy sinh toàn thể cuộc sống cho vinh quang cao cả của Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn, trong hiến tế bằng hương thơm ngào ngạt, trong hiệp nhất hoàn hảo và hòa chung một ý với Ngài. » (chương X, tiết 3).

 

Còn sử gia Adrien Launay đề cao giá trị và tầm quan trọng của Huấn Thị Ajuthia trong lịch sử Hội Thừa Sai Paris như sau :

 

« Từ thời đó, mỗi linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris đều đem theo mình tập Huấn Thị cùng với cuốn Kinh Nhật Tụng, như một tác phẩm quan trọng nhất mà họ có được và như tác phẩm hữu ích nhất để hướng dẫn nhiệt huyết tông đồ nơi mình. »*[63]

 

Phần chúng ta, những người Việt Nam, vốn là những lương dân được các thừa sai đến rao giảng Tin Mừng. Huấn Thị Ajuthia đã xem chúng ta là ai ? đã hiểu ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi chúng ta ra sao ?

 

* Ơn cứu rỗi

Để trả lời câu hỏi vừa đặt ra, chúng ta cần tìm hiểu một chút về quan niệm thần học hàm chứa trong Huấn Thị Ajuthia.

Giáo huấn của Huấn Thị trung thành với Kinh Thánh và truyền thống của công giáo. Thánh Augustinô được trích dẫn nhiều nhất, gần 20 lần ; tiếp đến là thánh Tôma Aquinô, quãng 15 lần ; và vài lần trích dẫn giáo huấn công đồng Trentô hay các Giáo Phụ khác.

Về vấn đề ơn cứu rỗi, lập trường thần học căn bản của Huấn Thị là :

 

« Từ Adam cho đến ngày nay, con người chỉ đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu bằng những phương tiện sau : đức tin vào Thiên Chúa duy nhất và vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian, được nhận biết minh nhiên hoặc mặc nhiên, và tin vào những tín điều của đạo. » (ch. 5, tiết 3)

 

Nói thế, có nghĩa là để đạt tới sự cứu rỗi, cần có ba niềm tin :

-         tin Thiên Chúa duy nhất ;

-         tin Đức Kitô, Đấng Trung Gian ;

-         tin những tín điều của đạo.

Điểm thần học rắc rối nhất, cách riêng đối với lương dân Việt Nam, có lẽ là điểm thứ hai : tin Đức Kitô, Đấng Trung Gian.

Bởi vì, nếu hiểu một cách rộng rãi, người Việt Nam vốn « tin Thiên Chúa duy nhất », tin có Thượng Đế, tin có Ông Trời. Sau nữa, nói được là họ cũng « tin những tín điều của đạo » theo cắt nghĩa của Huấn Thị (ch. 5, tiết 1), tức tin rằng :

-         Chỉ có duy nhất một Thiên Chúa.

-         Linh hồn con người bất tử.

-         Hạnh phúc thuộc về đời sau.

-         Duy Thiên Chúa mới ban cho ta được hạnh phúc đời sau.

-         Và con người phải làm hết sức mình để đạt hạnh phúc đó.

Còn lại đây là vấn nạn « tin Đức Kitô, Đấng Trung Gian ». 

Niềm tin tối cần để được cứu rỗi là « tin vào Thiên Chúa duy nhất và vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian ». Bởi vì, « ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ. » (Công Vụ 4, 12). Vậy, phải tin « vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian, được nhận biết minh nhiên hoặc mặc nhiên ».

Nhưng rõ ràng là các lương dân Việt Nam không thể nào nhận biết cách « minh nhiên » Đức Giêsu Kitô, vị Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Bởi lẽ, chưa hề có ai đến giới thiệu Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài cho họ biết. Họ không biết và họ chẳng có lỗi gì về sự không biết của họ cả. Họ không thể bị kết án về một lỗi mà họ không hề phạm.

Trái lại, có thể nói là họ nhận biết Đức Giêsu Kitô cách « mặc nhiên » không ?

Theo ý kiến của thánh Tôma Aquinô (+1274), không ai có thể được cứu rỗi nếu không tin vào Đấng Trung Gian. « Vì nếu ngay cả lúc họ không có một niềm tin minh nhiên, họ lại có một niềm tin mặc nhiên vào Đấng Quan Phòng, tin rằng Thiên Chúa là Đấng giải cứu con người theo cách thức mà Ngài muốn. »*[64]

Công đồng Trentô cũng dạy rằng tội nguyên tổ Adong không hoàn toàn hủy diệt lương tâm con người ; trái lại, nhờ ơn Chúa thúc đẩy, con người có thể hướng về ơn công chính hóa.*[65]

Tóm lại, về vần đề thần học ơn cứu rỗi, Huấn Thị Ajuthia theo ý kiến của thánh Tôma Aquinô và giáo huấn công đồng Trentô. Đó là quan niệm thần học tích cực và khoan dung nhất vào thời đó. Ngược lại là quan niệm tiêu cực và bi quan của Luther, Calvin hay phái Giăng Xê ; theo đó, phải hiểu một cách triệt để những lời như : « Ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ » (extra Ecclesiam nulla salus), « Ai không sinh ra bởi Nước và Thần khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa » (Gioan 3, 4), v.v..

 

* Luật tự nhiên

Với quan niệm thần học tích cực, khoan dung và cởi mở, Huấn Thị Ajuthia đã theo thánh Augustinô mà tuyên bố một cách đáng ngạc nhiên rằng :

 

« Kitô giáo đã không bị bất cứ thay đổi thiết yếu nào, từ khi trời đất được tạo thành » (phụ lục A).

 

Kitô giáo đã có từ thời ông Adong và bà Evà hay sao ?

Vâng, Kitô giáo đã hiện hữu trước khi Ngôi Lời nhập thể. Đây là giáo huấn của thánh Augustinô. Các thừa sai Pháp khi gặp gỡ lương dân là tín đồ những tôn giáo khác, đã thấy cần phải nhớ lại giáo huấn trên. Về điểm này, thánh Augustinô đã nói :

 

« Tôi bàn tới tên gọi chứ không tới sự việc mà tên gọi diễn tả. Bởi vì, điều mà ngày hôm nay gọi tên là Kitô giáo, thì đã hiện hữu từ thời thượng cổ và ngay từ lúc có loài người cho tới lúc Đức Kitô nhập thể. Và chính từ Ngài mà tôn giáo đích thật đã hiện hữu và bắt đầu mang tên là Kitô giáo. Quả vậy, sau khi Ngài sống lại và lên trời, khi các Tông Đồ bắt đầu rao giảng về Ngài và nhiều người đã tin nhận, thì các môn đồ bắt đầu được gọi là Kitô Hữu, trước hết tại thành Antioche, như đã viết (Công Vụ 11, 26). Bởi lẽ đó, tôi đã viết : ‘Chính từ thời chúng ta, Kitô giáo’, không phải vì tôn giáo này không hiện hữu từ thời xa xưa, nhưng là vì tôn giáo ấy nhận được tên gọi đó vào thời sau này. »*[66]

 

Huấn Thị Ajuthia theo quan niệm quen thuộc mà nói con người có hai cuộc sống : đời này và đời sau, và có hai bộ luật : tự nhiên và siêu nhiêu (ch. 5, tiết 3).

Nếu con người không dập tắt ánh sáng tự nhiên nơi mình vì phạm tội riêng, con người có thể nhận ra và tuân thủ « luật tự nhiên của Thiên Chúa » (ch. 6, tiết 8). Trong chế độ luật tự nhiên, dù chưa có tên gọi rõ ràng, Kitô giáo đã hiện hữu và thể hiện như một « tình trạng còn bất toàn. Đó là giai đoạn đầu tiên hướng về sự hoàn hảo mà Kitô giáo đã gặp trong luật ân sủng » (phụ lục A). « Những tín điều đầu tiên của đức tin » (phụ lục A) đã hàm chứa trong tôn giáo thuộc luật tự nhiên rồi. Dựa vào lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa và tôn thờ Ngài. Đó chính là « lề luật tôn giáo đã được ban cho cha ông và được truyền cho hậu duệ » (ch. 6, tiết 7).

Các tín đồ những tôn giáo thuộc luật tự nhiên, (như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Đạo thờ ông bà nơi người Việt Nam), một cách mặc nhiên (hoặc tiềm ẩn), vẫn trông đợi Vị Cứu Tinh, nhờ những lời dạy dỗ của các bậc hiền nhân*[67].

Như vậy, Huấn Thị Ajuthia đã nghĩ rằng các tôn giáo chứa đựng ít nhiều những tia sáng của Thiên Chúa. Từ chỗ đó, Huấn Thị khuyên các thừa sai khi tiếp xúc với lương dân, cần « tránh có vẻ mang đến cho họ sự giảng dạy hoàn toàn mới mẻ, nhưng sẽ cẩn thận đối xử với họ như là họ đã có nắm bắt chút ít về những chân lý » (ch. 5, tiết 1).

Sau cùng, còn có những biện bác của lương dân rằng « Thiên Chúa thật đáng bị cáo vì không lo liệu hay vì quên lãng, đã chậm trễ nghĩ đến » số phận của họ. Hơn nữa, « Ngài thiếu lòng khoan dung và tình thương xót » khi để cho tổ tiên của họ không biết chi đến Kitô giáo mà phải chịu hình phạt đời đời. Trả lời của Huấn Thị Ajuthia là lấy lại giáo huấn của thánh Tôma Aquinô mà xác định rằng Thiên Chúa đã ban luật của Ngài trong luật tự nhiên cho mọi người, không trừ một ai. Dù đó là một « người bán khai, cho dẫu đang sinh sống nơi núi xa rừng thẳm » vẫn nhận được ánh sáng soi dẫn của Thiên Chúa trong nội tâm của mình. Qua lý trí tự nhiên của mỗi người, Thiên Chúa ban bài học đầu tiên dẫn dắt họ tới phần rỗi đời đời.*[68]

 

* Nhận định chung

Khi soạn thảo Huấn Thị Ajuthia vào thời kỳ họp công đồng năm 1664, chưa hề có ai trong số các thừa sai người Pháp đã đặt chân tới Việt Nam. Kinh nghiệm về người Việt Nam nơi họ có lẽ do tiếp xúc với khu Việt kiều tại Xiêm La hay qua những trao đổi với các vị đã làm việc tại Việt Nam như cha Tissanier, dòng Tên. Huấn Thị có nêu ra một kinh nghiệm đặc thù, và đây là một điều rất ngoại lệ của Huấn Thị, về « một người Đàng Trong có tinh thần chín chắn và hơn nữa sâu sắc » (ch.5 , tiết 2).

Tinh thần truyền giáo của Huấn Thị rất cởi mở, trong khi ngay lúc đó tại bên Pháp và Âu châu, học thuyết Giăng Xê đang lan rộng. Tóm lại,

-         trung thành với giáo huấn công đồng Trentô, Huấn Thị Ajuthia nhìn nhận rằng Thiên Chúa hiện diện và hành động trong luật tự nhiên ;

-         theo lời dạy của thánh Tôma Aquinô, Huấn Thị Ajuthia nghĩ rằng tin vào Đức Kitô một cách mặc nhiên đã đủ để đạt được sự cứu rỗi đời đời ;

-         theo lời dạy của thánh Augustinô, Huấn Thị Ajuthia cho rằng tôn giáo chân thật đã hiện hữu ngay trong luật tự nhiên rồi.

Thế hệ đầu tiên của Hội Thừa Sai Paris quả là có vẻ bao dung và cởi mở trong những quan niệm thần học của họ. Đương nhiên, cái bao dung và cởi mở đó chẳng là gì cả so với sự tiến bộ của nền thần học ngày hôm nay. Nhưng phải nhận rằng tinh thần của họ là tiến bộ so với thời đại của họ.

 

&


III. Hội Dòng Tông Đồ

 

 

Như trình bày ở trên, từ Xiêm La trở về Âu châu sau công đồng Ajuthia, Đc Pallu đã đến Rôma hai lần và lưu lại khá lâu để làm việc với Thánh bộ Truyền bá Đức tin. Lần đầu từ ngày 20.4 đến ngày 13.12.1667, tức gần 9 tháng trời ; và lần thứ hai từ ngày 20.11.1668 đến ngày 17.9.1669, tức 10 tháng trời.

« Tất cả mọi điều Đc Pallu xin đều được [Tòa Thánh] chấp nhận »*[69], chỉ trừ ra việc xin thành lập Hội Dòng Tông Đồ.

Chúng ta đã nhắc tới Hội Dòng Tông Đồ. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày chi tiết hơn về Hội Dòng này và sự từ chối của Tòa Thánh.

 

* Tài liệu về Hội Dòng Tông Đồ

Hai Đức cha Pallu và Lambert cùng các thừa sai Pháp đã quyết định thành lập Hội Dòng Tông Đồ khi họp công đồng Ajuthia năm 1664. Bản luật Hội Dòng Tông Đồ cùng hai công thức khấn được soạn ra bằng tiếng la tinh tại Ajuthia. Hiện nay, chúng ta có thể tìm lại được bản luật và hai công thức khấn trên tại Paris hay tại Rôma :

-         AMEP, volume 169, p. 1-31.

-         AMEP, volume 116, p. 375-376.

-         Propaganda Fide : Archivio Storico, Acta C.P., vol. 1A, fol. 115-121.

Ngoài ra, nhiều lá thư của Đc Pallu liên quan tới Hội Dòng Tông Đồ được Adrien Launay xuất bản trong hai tập sách tựa đề Lettres de Mgr Pallu, tại Paris, năm 1904.

Một số sử gia đã nói đến Hội Dòng Tông Đồ này, như :

-         Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, tome I, SĐD, trang 110-113.

-         Louis Baudiment, SĐD, trang 201-202, 248-249 ;

-         Jean Guennou, SĐD, trang 122-124 ;

-         Guy-Marie Oury, Mgr Pallu ou les missions étrangères en Asie au 17è siècle, Paris, France-Empire, 1985, trang 81-83, 95-98.

Và hai sử gia nói khá đầy đủ về đề tài này là :

-         Josef Metzler, SĐD, trang 26-34 ;

-         Henri Sy, SĐD, trang 89-108.

 

* Những thời điểm khác nhau

Thật khó mà nói được Hội Dòng Tông Đồ được chính thức thành lập vào thời điểm nào. Tuy nhiên, sau khi tham khảo một số tài liệu, chúng ta có thể thấy rằng :

a, Hội Dòng Tông Đồ là điều Đc Lambert đã ước ao từ khá lâu rồi.*[70]

b, Hội Dòng Tông Đồ chắc chắn đã là một đề tài thảo luận sâu rộng tại công đồng Ajuthia, mà theo chúng ta nghĩ, diễn ra quãng từ tháng ba tới đầu tháng sáu năm 1664, tức đã kéo dài ba tháng trời.

c, Sau khi công đồng bế mạc, các thừa sai khởi sự việc thực hành những kỷ luật của Hội Dòng như Đc Lambert cho biết trong thư ngài gửi cha Nicolas Lambert ngày 19.10.1664 : « … Đức Cha thánh thiện [Pallu] và tất cả các bạn chúng ta đang ở đây, đã đem ra thực hành… »*[71]

d, Vào lễ Hiển Linh, ngày 6.1.1665, các ngài tuyên khấn vào Hội Dòng Tông Đồ :

« … Chúng tôi khấn hứa theo công thức này vào ngày lễ Chúa Hiển Linh năm 1665 tại Juthia, thủ đô vương quốc xiêm La, trong nhà nguyện của chúng tôi dâng kính thánh Giuse.

- Phanxicô, Giám Mục Hiệu Tòa Heliopolis, Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài.

- Phêrô, Giám Mục Hiệu Tòa Bérythe, Đại diện Tông Tòa Đàng Trong.

- Phanxicô Deydier, Thừa Sai Tông Tòa.

- Luy Laneau, Thừa Sai Tông Tòa. »*[72]

Vào ngày đó, cha Chevreuil đã sang Đàng Trong. Và bên cạnh bốn vị có tên trên đây, còn có thừa sai Brindeau, thừa sai Hainques và ông Chamesson. Nhưng chúng ta không rõ cha Brindeau, cha Hainques và ông Chamesson có tuyên khấn hay không.

Như chúng ta vừa thấy, có những thời điểm liên quan tới Hội Dòng Tông Đồ mà chúng ta không thể xác định được. Nhưng điều quan trọng hơn mà chúng ta muốn biết là nội dung của Hội Dòng Tông Đồ này.

 

* Hội Dòng Tông Đồ.

Dự án của Hội Dòng Tông Đồ gồm 9 chương ngắn gọn, và 2 công thức khấn.

Theo quan niệm của các vị đã soạn thảo dự án, sự trọn lành có hai cấp bậc. Bậc cao nhất là « đời sống tông đồ » (vita apostolica), gọi là « đời sống hoàn thiện » (vita perfecta). Bậc tiếp theo, tức « sự hoàn thiện thấp hơn » (perfectio inferior), là « sự hoàn thiện Kitô hữu » (perfectio christiana). Từ đó, chúng ta sẽ hiểu tại sao Hội Dòng Tông Đồ có hai hạng thành viên và hai công thức khấn khác nhau.

 

Chương Một.

Tổng quát về Hội Dòng.

Mục đích chính của Hội Dòng Tông Đồ là theo chân và bắt chước đời sống các Tông Đồ và các Môn Đệ của Chúa Giêsu. Hội Dòng sẽ đón nhận hai hạng người.

- Hạng thứ nhất sống theo gương các Tông Đồ, giữ phận vụ các Tông Đồ và nhận lãnh các công tác nặng nhất.

- Hạng thứ hai sống theo gương các Môn Đệ, hướng tới sự trọn lành theo chức vụ đòi hỏi, và dưới sự điều hành của hạng thứ nhất.

 

Chương Hai.

Về những ai giữ đời sống tông đồ.

Họ sẽ tuân giữ đời sống tông đồ để tuyên dương sự trọn lành và sống thánh thiện theo như chức vụ tông đồ đòi hỏi. Như vậy, với ơn Chúa, họ có thể rao giảng Đức Giêsu Kitô cho người khác và đem lại sự cứu rỗi cho các linh hồn bị bỏ rơi ở khắp mọi nơi.

Họ sẽ tuyên thệ ba lời khấn trọn lành bên trong là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời.

Về lời khấn thứ nhất, họ từ bỏ tất cả của cải vật chất cũng như ngay cả các năng lực và các hoạt động của tâm hồn họ cho Thiên Chúa.

Về lời khấn thứ hai, họ không còn một ước muốn nào đối với chính mình hay một gắn bó tình cảm đối với bất kỳ thụ tạo nào.

Về lời khấn thứ ba, họ sẽ sống vâng theo sự hướng dẫn của ân sủng sinh động bên trong con người họ.

Việc suy niệm và hãm mình phải liên tục nơi họ ; bằng không, chẳng ai có thể giữ trung thành được ba lời khấn trên. Bởi thế, mỗi ngày họ phải dành ra ba giờ để lo việc suy niệm ; họ không bao giờ được bỏ qua chuyện này, trừ khi do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần dạy họ làm việc lo phần rỗi tha nhân hay lo việc nơi khác cho danh Chúa cả sáng.

Họ sẽ thực hành mọi sự hãm mình : ngủ trên nền cứng, hạn chế dùng rượu vang hằng ngày, kiêng thịt, ăn chay mọi ngày trừ ra ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống, cũng như khi đi đường ; và lúc đi đường thì họ chỉ cần ăn chay và kiêng thịt theo như luật Hội Thánh đã định là đủ.

Hơn nữa, điều quan trọng là họ kiêng sử dụng thuốc thang (khi bệnh hoạn) ; và theo phương thuốc đức tin, họ chỉ được cầu cứu đến hy tế thánh lễ và các phụ bí tích của Hội Thánh.

 

Chương Ba.

Về những thừa sai khác.

Điều đáng mong ước là các thừa sai đều dấn thân giữ đời sống tông đồ ; nhưng số người đi tới bậc trọn lành này sẽ không nhiều. Điều quan trọng là tất cả phải theo sự hoàn thiện chung của các Kitô hữu, dù thấp hơn sự hoàn thiện tông đồ. Và dưới sự hướng dẫn của các vị khấn giữ đời sống tông đồ, họ sẽ lo việc truyền giáo các dân tộc và cứu giúp các linh hồn bị bỏ rơi.

Họ sẽ khấn ba lời khấn chung là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Họ sẽ liên tục tìm đạt tới sự từ bỏ hoàn toàn chính con người mình.

Ngoài ba lời khấn trên, họ thêm lời khấn vâng lời Đức Giáo Hoàng mà mau chóng đi đến bất kỳ nơi nào Đức Giáo Hoàng chỉ định để lo việc truyền giáo.

Họ còn thêm một lời khấn nữa là không bao giờ tìm kiếm, dù trực tiếp hay gián tiếp, bất kỳ thứ ân lộc nào, địa vị nào, hay chức tước nào, mà không có ý kiến và sự ưng thuận của bề trên.

Mỗi ngày, họ phải nguyện ngắm ít nhất là hai giờ.

Họ phải quen ngủ trên nền cứng, khi ở nơi truyền giáo không có giường nệm. Họ kiêng rượu vang, khi thiếu thốn.

Về việc kiêng thịt, ăn chay và kiêng thuốc thang, họ được phép theo thói quen các thừa sai tại Âu châu. Các tu sĩ được nhận vào Hội Dòng này thì giữ việc hãm mình, kiêng cử và chay tịnh theo như luật dòng riêng của họ trước đây.

 

Chương Bốn.

Những điều kiện để được nhận vào Hội Dòng này.

Tất cả ai nhận thấy được ơn Chúa gọi đi truyền giáo nơi miền xa xôi lo cứu giúp những linh hồn bị bỏ rơi, đều được đón nhận vào Hội Dòng này, dù họ là giáo sĩ được đào tạo trong chủng viện hay giáo dân đức hạnh ngoài đời, hay tu sĩ đang sống trong hội dòng của họ.

Họ phải tới 22 tuổi và chưa quá 37 tuổi.

Hội Dòng này đón nhận giáo dân nào không bị vướng mắc chuyện hôn nhân, không cần học hành cao, có lòng đạo đức không quá tồi tệ, ao ước lo việc truyền giáo. Hội Dòng không đón nhận ai bị nghi ngờ có dính dáng vào giáo thuyết Giăng Xê hay những giáo thuyết mới lạ. Giáo sĩ hay giáo dân đức hạnh nào, dù không thể ra đi truyền giáo nơi xa xôi vì lý do chính đáng, vẫn có thể được đón nhận vào Hội Dòng để ở lại Âu châu lo những sự liên quan tới việc truyền giáo. Tuổi của họ có thể vượt quá 37 tuổi, và được miễn lời khấn vâng lời Đức Giáo Hoàng.

 

Chương Năm.

Việc đào luyện các thừa sai.

Thời gian đào luyện trước khi tuyên khấn là hai năm. Tuy nhiên, các tu sĩ nào đã khấn trong một hội dòng được cải tổ thì thời gian này chỉ là một năm.

Mỗi ngày phải suy niệm là hai giờ, phải xét mình riêng trước bữa ăn trưa và bữa ăn chiều, phải đọc sách thiêng liêng một giờ.

Hai lần mỗi tuần, phải nghe giảng về đời sống thiêng liêng.

Mỗi ngày, phải dành ra ba giờ để học hành, trong đó một giờ dành cho việc học Kinh Thánh.

Phải học kỹ nghi thức cử hành các bí tích, tập hát thánh ca và các sự thuộc về nghi thức của Giáo Hội để trong tương lai có thể làm cha xứ.

Vì có ít việc phải thực hành chung, có thể đọc kinh nhật tụng riêng, cũng như việc suy niệm, đọc sách và học hành. Tuy nhiên, các việc suy niệm, đọc sách thiêng liêng, học hành hay các việc thực tập khác, luôn cần có sự hướng dẫn của một bề trên hoặc một giám sư. Phải giữ chừng giờ giấc ngủ nghỉ, ăn uống ; sau kinh tối thì về phòng riêng.

Mọi người đều vào nhà nguyện để làm việc xét mình riêng trước bữa ăn trưa cũng như trước bữa ăn chiều. Buổi tối, vào trong nhà nguyện để xét mình và đọc kinh cầu Đức Bà cùng các kinh chung khác. Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, thì hát lễ và hát kinh chiều.

 

Chương Sáu.

Việc đào luyện các thừa sai được gọi vào đời sống hoàn thiện.

Thời gian đào luyện hoàn tất, những ai được nhận vào Hội Dòng thì sẽ tuyên hứa những lời khấn chung của mọi thừa sai. Giữa họ, nếu có ai tỏ ra được ơn huệ riêng và được Chúa gọi vào đời sống hoàn thiện, họ sẽ tiếp tục năm đào luyện thứ ba. Năm này chuẩn bị cho họ tuyên khấn đời sống hoàn thiện.

Vào năm này, họ sẽ ý thức thực tập nhiều hơn đời sống hoàn thiện với các việc kiêng chay, hãm mình và suy niệm. Họ sẽ dành nhiều thời giờ hơn cho việc đọc sách thiêng liêng và việc học hành.

Nếu ai trong họ thấy mình chưa đủ sức chu toàn các điều kiện và các chức vụ, hoặc chưa trưởng thành đủ để tuyên khấn đời sống hoàn thiện, thì họ sẽ ở lại trong tình trạng chung của các thừa sai. Và họ sẽ được gửi đi truyền giáo nơi miền xa, hay ở lại Âu châu lo các sự thuộc việc truyền giáo.

Nếu ai đã 40 tuổi hay lớn hơn nữa, hoặc là giáo sĩ hoặc là giáo dân, từ nhiều năm trời vốn miệt mài lo danh Chúa cả sáng và thực hành đời sống nội tâm, nay họ muốn xin vào đời sống hoàn thiện, thì họ có thể được phép tuyên khấn ngay trong năm thử luyện. Họ sẽ không buộc phải giữ những việc kiêng chay hay các việc hãm mình khác. Cho dù họ không thể đi tới những miền xa xôi, họ vẫn tham gia vào việc truyền giáo, đem ơn cứu rỗi đến dân ngoại và rao truyền đức tin giữa dân ngoại, bằng cầu nguyện nài van, nước mắt và khấn xin nơi họ. Đó là điều ngày xưa ông Mô-sê đã làm giữa lúc ông Giô-suê chiến đấu chống quân A-ma-lếch. Họ có thể được xem như những thừa sai bên trong và thầm kín của Hội Dòng.

 

Chương Bảy.

Điều hành thiêng liêng.

Đức Giáo Hoàng và Thánh bộ Truyền bá Đức tin của các hồng y sẽ là bề trên trực tiếp của Hội Dòng này.

Bề trên trung gian sẽ luôn luôn là một giám mục. Vị này sẽ tuyên khấn đời sống hoàn thiện trong Hội Dòng, và thấm nhuần tinh thần Hội Dòng.

Tòa Thánh có thể gửi những ủy viên đến tận các nơi truyền giáo để giám sát Hội Dòng.

Vị giám mục bề trên Hội Dòng sẽ theo dõi sinh hoạt Hội Dòng, lưu tâm tới các thành viên, và lo viết thư phúc trình về Thánh Bộ.

 

Chương Tám.

Quản lý tài sản vật chất.

Theo mục đích của Hội Dòng, Hội Dòng sẽ có tài sản vật chất riêng, có thể đón nhận mọi sự trợ giúp và giữ sản nghiệp riêng. Các thừa sai có thể nhận gia sản thừa kế.

Vị giám mục bề trên sẽ đặt giáo dân làm giám đốc quản lý tài sản vật chất. Việc cung ứng vật chất của Hội Dòng sẽ luôn luôn do giáo dân đảm nhiệm.

 

Chương Chín.

Bổn mạng của Hội Dòng.

Hội Dòng này sẽ đặt dưới sự bảo trợ đặc biệt của thánh Giuse ; nhờ ngài, mà đạt đến tình yêu nồng nàn nhất đối với Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ.

Thánh Giuse là quan thầy và là đấng bảo vệ Hội Dòng. Mỗi ngày phải tôn kính ngài. Phải kêu cầu sự cứu giúp của ngài trong mọi cơn nguy nan và trong lúc cần kíp.

 

* Công thức khấn (1).

Đây là công thức khấn dành cho những ai khấn đời sống hoàn thiện trong Hội Dòng Tông Đồ, (Formula votorum pro iis qui in Congregatione Apostolica vitam perfectam profitebuntur).

« Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

Chúng tôi là những người tội lỗi đớn mạt, những kẻ thấp hèn nhất sau hết mọi người, nhưng nhờ Thiên Chúa an bài mà được sai đi rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô cho lương dân. Chúng tôi ý thức mình được Thiên Chúa kêu gọi vươn lên tới sự trọn lành xứng hợp với nhiệm vụ rất cao quý. Vì vậy với lòng tin tưởng vững vàng vào ơn phù hộ của Chúa Kitô và nương tựa vào sự bảo trợ của Người, trước mặt Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse, Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và các Thánh Tông Đồ khác, cùng toàn thể triều thần thiên quốc, chúng tôi tuyên hứa và khấn với Thiên Chúa tốt lành cao cả : sẽ giữ đức Nghèo Khó, đức Khiết Tịnh và đức Vâng Phục ; nhất là thực hành những điều ba lời khấn ấy diễn tả : giữ linh hồn và các năng khiếu tâm linh hoàn toàn thanh thoát ; tuyệt đối khước từ sự tự do sử dụng các năng khiếu tâm linh ; từ bỏ trọn vẹn mọi khoái cảm cố ý tìm kiếm nơi bất cứ tạo vật nào, ngay cả khoái cảm có thể nhận được do những ân huệ trên trời. Sau hết, theo mức độ ơn trên ban cho và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi hoàn toàn lụy phục sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Chúng tôi cũng hứa vâng phục đặc biệt Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma, mà chúng tôi nhìn nhận là vị Đại Diện Duy Nhất của Chúa Kitô trên trần gian, đến nỗi chúng tôi sẽ có mặt bất cứ nơi đâu, bằng bất cứ cách nào, theo như ý Ngài muốn sai chúng tôi đi, đem các linh hồn về cho Thiên Chúa, truyền bá đức tin và phục vụ Giáo Hội.

Ngoài ra, chúng tôi xin hứa sẽ không bao giờ tìm kiếm trực tiếp hay gián tiếp bất cứ một thứ ân lộc, địa vị hoặc chức tước nào, ngay cả khi người ta đề nghị các điều đó, chúng tôi cũng không nhận trước khi thỉnh ý Bề Trên và được Người cho phép.

Chúng tôi tuyên hứa tất cả các điều trên đây theo đúng các giải thích đầy đủ hơn trong ‘‘Lý Tưởng Hội Tông Đồ’’ và sẽ tuân giữ chu đáo mọi quy luật của Hội này. »*[73]

 

* Công thức khấn (2).

Đây là công thức khấn dành cho các thừa sai nói chung, (Altera formula pro singulis missionariis).

« Tôi (T…) với lòng tin tưởng vững vàng vào sự trợ giúp và phù hộ của Chúa Kitô, trước mặt Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse, các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và các Thánh Tông Đồ khác cùng toàn thể triều thần thiên quốc, tôi tuyên hứa và khấn với Thiên Chúa tốt lành cao cả : sẽ giữ đức Nghèo Khó, đức Khiết Tịnh và đức Vâng Phục mãi mãi trong Hội Tông Đồ và hứa vâng lời đặc biệt Đức Giáo Hoàng, đến nỗi tôi sẽ có mặt bất cứ nơi đâu Ngài muốn sai tôi đi, đem các linh hồn về cho Thiên Chúa và truyền bá đức tin.

Ngoài ra, tôi hứa sẽ không bao giờ tìm kiếm trực tiếp hay gián tiếp bất cứ một thứ ân lộc, địa vị hoặc chức tước nào, ngay cả khi người ta đề nghị các điều đó, tôi cũng không nhận trước khi thỉnh ý Bề Trên và được Người cho phép.

Tôi tuyên hứa tất cả các điều trên đây theo đúng cách giải thích đầy đủ hơn trong sách Luật dòng, đồng thời sẽ tuân giữ nội quy liên quan tới các thừa sai của Hội này. »*[74]

 

* Ý kiến thần học.

Dự án Hội Dòng Tông Đồ gồm 9 chương và 2 công thức khấn, như chúng ta vừa xem qua, được chính Đc Pallu trình lên Thánh bộ Truyền bá Đức tin.

Đc Pallu đã phải hy sinh nhiều trong chuyện này. Hội Dòng Tông Đồ là việc đòi hỏi ngài nhiều tế nhị, khéo léo, kiên nhẫn, can đảm và cao thượng. Ở đây, chúng tôi không có ý trình bày chi tiết công việc của Đc Pallu, cũng không có ý bàn rộng những ý kiến phê bình của các vị giám đốc Hội Thừa Sai Paris.*[75]

Còn tại Rôma, Thánh bộ Truyền bá Đức tin đã tham khảo ý kiến các thần học gia như các cha Tartaglia, Ricci, Bona, Domenico, v.v.

Sự chú ý của các vị được hỏi ý kiến thì, nói chung, xoay quanh vấn đề « lời khấn nội tâm » (Tria perfectorum vota, paupertatis scilicet, castitatis, et obedientiae interioris emittent) :

« giữ linh hồn và các năng khiếu tâm linh hoàn toàn thanh thoát ; tuyệt đối khước từ sự tự do sử dụng các năng khiếu tâm linh ; từ bỏ trọn vẹn mọi khoái cảm cố ý tìm kiếm nơi bất cứ tạo vật nào, ngay cả khoái cảm có thể nhận được do những ân huệ trên trời. Sau hết, theo mức độ ơn trên ban cho và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi hoàn toàn lụy phục sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. »

 

Các lời khấn của Hội Dòng Tông Đồ « không có gì đáng chê trách cả, cũng không có gì có thể bị khiển trách về mặt thần học »*[76]. Đó là ý kiến của thần học gia Jean Bona, và cũng là ý kiến tiêu biểu của các thần học gia khác. Và mặc dù ca ngợi sự thánh thiện hàm chứa trong các lời khấn, thần học gia này lại nghĩ rằng không nên áp dụng cho mọi người. « Mặt khác, Giáo Hội không thể chuẩn nhận những lời khấn hoàn toàn bên trong nội tâm mà sự lỗi phạm sẽ thoát khỏi mọi hình thức chế tài. Nếu người ta tuyên hứa những lời khấn như thế, thì lời khấn sẽ thành sự ; nhưng điều đó không thích hợp, vì chúng vượt quá sức thường con người. Những lời khấn chỉ được chấp nhận trong trường hợp tuyên hứa dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, điều khó mà chứng minh được. »*[77]

Một điểm khác cũng được bàn thảo tới cách đặt biệt là « họ kiêng sử dụng thuốc thang ; và theo phương thuốc đức tin, họ chỉ được cầu cứu đến hy tế thánh lễ và các phụ bí tích của Hội Thánh ». Điều này thật khó áp dụng, nếu không dám nói là không thể thực hiện được, nhất là khi vào lãnh vực hoạt động truyền giáo.*[78]

 

* Tòa Thánh từ chối.

Sau khi được các thần học gia đóng góp ý kiến, Ủy ban Đặc biệt của Thánh bộ Truyền bá Đức tin*[79] nhóm họp lại ngày 13.8.1669. Ủy ban này đã bác bỏ việc xin thành lập Hội Dòng Tông Đồ bằng một sắc lệnh như sau :

« Giám mục Bêrytê, Đại diện Tông tòa xứ Trung Hoa,

Giám mục Hêliopolis, Đại diện Tông tòa xứ Đàng Ngoài,

và các vị thừa sai khác tại Trung Hoa và vùng Ấn Độ Dương,

đã đệ trình lên xin Thánh Bộ xét xử những lời tuyên khấn của họ ;

sau khi lắng nghe các thần học gia được tham khảo cách đặc biệt, Thánh Bộ đã ca ngợi lòng nhiệt thành và ước muốn một sự hoàn thiện cao siêu hơn nơi họ.

Còn về chính những lời khấn, (cho dù có thể suy xét riêng từng lời khấn và trong các quan hệ với từng thành phần cá biệt), xét chung những lời khấn và đối với những ai được chỉ định lo việc truyền giáo, Thánh Bộ đã phân xử rằng, vì những lý do chính đáng, những lời khấn trên phải bị phản bác và phải bị tuyên bố là vô hiệu ; và thực tế là Thánh Bộ không tán thành và tuyên bố vô hiệu những lời khấn trên. Và Thánh Bộ truyền rằng sắc lệnh này phải được tuân giữ bởi những ai đã tuyên thệ những lời khấn đó. »*[80]

Và vị thư ký của Thánh Bộ đã đệ trình quyết định trên lên Đức Giáo Hoàng. Và ngài đã tán thành quyết định đó vào buổi triều yết ngày 6.9.1669.

Sử gia Launay còn cho chúng ta biết thêm ý kiến của Thánh Bộ khi từ chối chuẩn nhận Hội Dòng Tông Đồ rằng : 

« Những lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục bề trong, như đã được diễn tả, chỉ thực hiện được trong những giả thuyết thật họa hiếm, không thể nào dùng làm nền tảng cho một hiệp hội tu trì bao giờ. Còn các lời khấn khác về sự tuân thủ bề ngoài, phải xem đó như những quyết tâm tốt lành, và lại nữa, những quyết tâm như vậy ít thích hợp với các thừa sai, nhất là nếu họ thực hiện chung với nhau. »*[81]

 

* Thông báo của Thánh Bộ.

Đối với Đc Pallu đang hiện diện tại Rôma, để tỏ ra tế nhị và kính trọng ngài, người ta đã trực tiếp nói cho ngài hay quyết định của Thánh Bộ. Người ta đã không muốn ra một sắc lệnh công khai, sợ bị cảm nhận như một pháp lệnh tòa án.

Còn đối với Đc Lambert, chính Đức Hồng Y bộ trưởng Barberini đã thông báo cho ngài qua lá thư đề ngày 24.8.1669 như sau :

« Trọng kính Đức Cha,

Giữa những vấn đề mà Đức Giám Mục Hêliopolis đã đệ trình lên Thánh Bộ này, có bản trình bày đầy đủ và rõ ràng về những lời khấn đã tuyên thệ bởi chính Đức Cha và một vài vị trong số thừa sai của các Đức Cha. Đó không phải là điều nhỏ bé nhất. Những lời khấn trên, Đức Giám Mục Hêliopolis đã hết lòng khẩn khoản xin Thánh Bộ ưng chuẩn.

Sau khi bàn luận kỹ càng về một đề tài rất đỗi quan trọng như vậy, và sau khi đã lắng nghe ý kiến của các thần học gia rất thông thái đang phục vụ Tòa Thánh, các đấng [thuộc Thánh bộ Truyền bá Đức tin] đã quyết định soạn thảo ra bản phán quyết. Bản phán quyết đó đã được thông báo cho Đức Giám Mục Hêliopolis với lệnh phải thông tin cho Đức Cha được hay. Vậy khi nào Đức Cha được biết phán quyết này, thì xin Đức Cha hãy tuân thủ hoàn toàn theo đó.

Vì biết lòng nhiệt thành, đức cẩn thận, sự tôn kính đối với Tòa Thánh nơi tất cả quý chư huynh, các đấng [thuộc Thánh bộ Truyền bá Đức tin] hy vọng rằng Đức Cha sẽ không rời xa đường lối sống đó và sự vâng phục của Đức Cha sẽ mau lẹ và vui vẻ.

Tôi cầu xin Chúa ban cho Đức Cha được tràn đầy ân sủng của Ngài.

Rôma, ngày 24.8.1669. »*[82]

 

* Phản ứng của hai Đức Cha.

Chúng ta đã đọc đoạn thư đầy phấn khởi ngày 19.10.1664 của Đc Lambert gửi em của ngài về Hội Dòng Tông Đồ :

 

« chính đó là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi nhóm người nhỏ bé của các anh, nhưng Ngài đã trì hoãn ban ánh sáng soi dẫn. Cho tới hiện tại, dự án đối với các anh xem ra tuyệt đẹp và tuyệt hợp với ơn gọi của chúng ta đến nỗi Đức Cha thánh thiện [Pallu] và tất cả các bạn chúng ta đang ở đây, đã đem ra thực hành, và anh thì thấy như mình bị cưỡng bức phải bắt chước theo họ. »

 

Thế nhưng, bây giờ Hội Dòng Tông Đồ chính thức bị bãi bỏ. Phản ứng của các thừa sai Pháp ra sao ? Ít nữa, phản ứng của hai vị Đại diện Tông tòa ra sao ?

Đc Pallu, ngay trong ngày Đức Giáo Hoàng phê chuẩn quyết định từ chối nói trên của Thánh bộ Truyền bá Đức tin, đã bỏ lời khấn hứa tại Ajuthia năm 1665, ăn thịt và dùng rượu. Sau này, ngài viết cho thừa sai Deydier rằng : « Tôi thà chết hơn là xa lánh một dấu phẩy trong các mẫu mực đã quy định cho chúng ta, khi chỉ là tỏ ra sự kính trọng và vâng phục mà tôi phải giữ và muốn giữ suốt đời đối với Toà Thánh. »*[83]

Phần Đc Lambert, mãi đến mùa hè năm 1671, lúc sắp xuống tàu đi thăm xứ Đàng Trong lần thứ nhất, ngài mới được tin rõ ràng là Hội Dòng Tông Đồ đã bị Tòa Thánh giải thể :

« Lúc tôi sắp trẩy sang Đàng Trong thì cha Langlois, cha Vachet và ông Chamesson đến được đây […] Có nhiều thư từ quan trọng của Rôma mà tôi đã nhận được tất cả với tâm tình vui mừng, vâng phục và kính trọng. » (Thư gửi các giám đốc Chủng Viện Paris, ngày 15.7.1671).*[84]

Ngài cũng viết cho cha Lesley như vậy :

« … các sắc chỉ đã ban ra về những lời tuyên khấn của chúng tôi, tôi đón nhận với niềm vui, vâng phục và tôn kính. »*[85]

Và ngài tâm sự nhiều hơn với cha linh hướng riêng của ngài :

« Hôm đầu tháng này, ông Chamesson đã trao cho con lá thư của cha đề ngày 8.2.1669 cùng với thư từ của Rôma liên quan tới dự án một hội dòng mà Tòa Thánh đã bác bỏ. Con tạ ơn Chúa. Như thế là qua cách thức đó, con được tự do về thể lý mà phụng sự Chúa trong một đời sống chung, nhưng không phải về mặt tinh thần, vì con thú nhận với cha rằng « tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta » [2 Cor 5, 14] và ngọn lửa đó do Ngài đã đem đến đặt vào trong thế gian, vào trong con tim của những kẻ cố gắng tôn thờ Ngài trong tinh thần và trong chân lý. Ngọn lửa ấy đang thiêu rụi con người con. […] Con để cho mọi người phê phán đường đi lối bước và cung cách hành xử của con mà không tìm tự biện hộ cho chính mình. » (Thư gửi cha Simon Hallé, ngày 15.7.1671).*[86]

 

* Chứng từ của cha Vachet tại Ajuthia.

[Khi từ Pháp ra đi vào ngày 13 tháng 2 năm 1669, cha Vachet lúc đó mới 28 tuổi, và tới Xiêm năm sau đó. Sau đây là những gì ngài tự mình thuật lại về lần đầu tiên gặp Đức cha Béryte.]

Lần đầu tiên tôi được vinh dự đến bái chào ngài là vào lúc 9 giờ tối. Sau khi đọc xong lá thư Đức cha Héliopolis viết từ Roma, ngài đích thân dẫn tôi vào phòng nghỉ, và khi tạm biệt tôi, ngài còn nói ngài sẽ rất vui nếu sáng sau tôi giúp lễ cho ngài. Tôi đã thực hiện điều ngài nói, và ngài lại dự lễ tôi cử hành.

Ngài dẫn tôi trở lại phòng ngài. Lúc này, người ta đã dọn sẵn 2 bộ chén bát. Tôi chưa hết ngạc nhiên với việc này, bởi vì người ta còn dọn lên một đĩa thịt gà trộn, và một chai rượu nho nữa ; đến nước này thì tôi như mất hồn và không còn biết nói năng gì hơn. Vị Giám mục nhận thấy điều đó, mỉm cười nói với tôi :

« Đúng là cha không ngờ trước được một bữa ăn thịnh soạn như thế này phải không ? »

Tôi chân tình thú thật với ngài là những gì tôi nhìn thấy đã phá tan ý nghĩ người ta tạo ra nơi tôi về ngài, bởi vì tôi đã tin chắc rằng ở đây không ăn thịt và uống rượu, cũng giống như người ta không bao giờ ăn điểm tâm ở Chủng viện này. Thế mà ở đây mọi sự đều ngược lại trước mắt tôi. Ngài trả lời :

« Người ta không đánh lừa cha đâu. Bởi vì đã 3 năm rồi, chúng tôi ở đây sống khắc khổ. Chúng tôi tin rằng cách sống đó thích hợp với các nhà truyền giáo, và chúng tôi đã tự nguyện vui thích chọn cách sống đó. Nhưng từ khi Đức Giáo hoàng, các Hồng y của Thánh bộ và các bạn chúng ta ở Paris không đồng ý chuẩn y, như Đức cha Héliopolis vừa viết thư cho tôi đây, tôi không hề do dự chút nào để tuân theo cảm nghĩ của các đấng ấy. Cũng như cha thấy đấy, tôi là người đầu tiên tự kết án mình. Tôi đã ra lệnh là chúng ta sẽ dùng thịt trong bữa tối. Các vị thừa sai của chúng ta có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn, nhưng tôi hy vọng là tôi sẽ làm gương cho các ngài noi theo. »*[87]

 

* Vài nhận định sau này.

Dự án Hội Dòng Tông Đồ xuất phát từ công đồng Ajuthia đã bị từ chối, hay nói như Đc Pallu trong thư gửi thừa sai Deydier : « đã bị loại bỏ cách tuyệt đối bởi Thánh bộ Truyền bá Đức tin »*[88].

Suy nghĩ về sự từ chối ấy, sử gia Adrien Launay thuộc Hội Thừa Sai Paris đã nhận định rằng : « Chính qua quyết định đó của Đức Giáo Hoàng và Thánh Bộ mà thêm một lần nữa, Thánh Bộ xác định quyền bính của mình trên các việc truyền giáo hải ngoại, và Hội Thừa Sai Paris cần phải giữ vị trí như thuở ban đầu : là một hiệp hội các giáo sĩ triều, họp lại với nhau, và hiến thân cho việc truyền giáo bằng một hành động duy nhất và liên tục phát xuất từ một ý chí tự do. »*[89]

Sau này, sử gia Jean Guennou cũng thuộc chính Hội Thừa Sai Paris lại thêm : « Những quyết định của Rôma đã làm nổi bật lên tính chất thuần túy giáo sĩ triều của Hội Thừa Sai Hải Ngoại, nhưng đồng thời còn tăng cường thêm quyền bính cho các giám mục được Tòa Thánh sai phái sang Á đông nữa. »*[90]

 

&

 


Tổng kết

 

 

Ngày 17.9.1669, Đc Pallu rời Rôma để trở về Pháp. Và ngài đặt chân tới Paris vào thứ bảy ngày 30.11 sau đó. Từ Paris, ngài sẽ viết cho Đc Lambert một lá thư trong đó có đoạn :

 

« Chúng ta hãy đặt rõ ràng vào tâm trí tất cả các thừa sai của chúng ta rằng chúng ta không được gửi đi lo việc hoán cải một vài cá nhân một cách giản dị như những thừa sai khác. Sứ vụ của chúng ta là đào tạo những giáo sĩ về tất cả các phận vụ Giáo Hội, là truyền chức các linh mục, là xây dựng các Giáo Hội và đặt các Giáo Hội đó vào thế tự lo liệu lấy cho chính mình, không cần phải cầu cứu liên tục tới Âu châu để xin những sự trợ giúp cần thiết. Bởi đó, công việc đầu tiên và căn bản mà chúng ta phải chuyên cần lo liệu là hướng về các thầy giảng để huấn luyện họ, và trong các chủng viện của chúng ta để có được các thầy giáo sĩ và các linh mục. […]

Tại Paris, ngày 6.12.1669 ».*[91]

 

Những lời như trên, chúng ta đã không hề gặp thấy trong các bản văn của công đồng Ajuthia như Huấn Thị Ajuthia hay Hội Dòng Tông Đồ. Chúng ta có cảm tưởng như tại Rôma, Đc Pallu đã được Thánh bộ Truyền bá Đức tin nhắc nhở lại nhiệm vụ chính yếu của các ngài, nhiệm vụ đã được ghi rõ trong Huấn Thị năm 1659 của Thánh Bộ :

 

« Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh Bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục. Chư huynh sẽ tấn phong cho họ và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người công tác trong quốc gia của mình ; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần chăm sóc. Vậy chư huynh hãy luôn đặt trước mắt mục đích này là tuỳ sức có thể chư huynh hãy làm sao đưa dẫn được nhiều người và là những người có nhiều khả năng đạt đến chức thánh, đào luyện họ và truyền chức cho mỗi người lúc họ đã sẵn sàng. » (Phần III, 1).*[92]

 

Chúng ta đã hiểu mối bận tâm của hai Đc Pallu và Lambert, cũng như mục tiêu đầu tiên của công đồng Ajuthia năm 1664, là vấn đề đạo đức của các thừa sai. Hai vị Đại diện Tông tòa và các thừa sai Pháp đã gặp phải « sự vô kỷ luật của các giáo sĩ triều và các hội dòng tu sĩ »*[93] tại những nơi truyền giáo. Do đó, họ đã muốn họp công đồng hầu « sớm tìm phương thế nào để loại trừ hoàn toàn sự buông lỏng và gầy dựng những việc thực hành thánh thiện. »*[94]

Trong tập Huấn Thị Ajuthia, được xem như kết quả quan trọng nhất của công đồng, và trong toàn chương trình Hội Dòng Tông Đồ, người ta thấy vấn đề tu đức của các thừa sai là vấn đề tuyệt đối ưu tiên. Tiếp đến, quan niệm về thừa sai là một quan niệm rất phổ thông và cổ điển : thừa sai là người lo rao giảng, lo cứu các linh hồn, lo mở mang Giáo Hội, v.v. Cái sứ vụ rất đặc biệt do Thánh Bộ trao phó là phải lo thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, thì gần như bị bỏ quên, hay ít nữa, không được công đồng Ajuthia trân trọng cách xứng hợp. Toàn tập Huấn Thị Ajuthia chỉ dành vài ba trang khiêm tốn để hướng dẫn các thừa sai về vấn đề các thầy giảng tiến tới « các chức thánh »*[95].

Tuy nhiên, nếu các văn bản chính thức phát xuất từ công đồng Ajuthia năm 1664 đã không trân trọng đủ sứ mệnh do Thánh Bộ trao phó, thì một trong những quyết định của công đồng lại sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho sứ mệnh nói trên. Quyết định này tương đối là dễ dàng, vì gần như là điều đương nhiên đối với các thừa sai Pháp lúc ấy. Có lẽ, khác với việc soạn thảo Huấn Thị Ajuthia hay vấn đề Hội Dòng Tông Đồ, họ đã không phải hội họp và bàn thảo lâu giờ khi lấy quyết định chung. Đó là quyết định xin Tòa Thánh quyền tài phán trên đất Xiêm La, và sau nữa là xây dựng trụ sở truyền giáo người Pháp tại đây. Chính tại trụ sở này, mà chúng ta sẽ quen gọi là « Chủng viện Thánh Giuse », nhiều ứng sinh chức linh mục vùng Đông Nam Á đã được tiếp đón và huấn luyện.

Trong số các linh mục Việt Nam thế hệ đầu tiên, các vị đã qua đó là :

- cha Giuse Trang (chịu chức ngày 31.3.1668, tại Xiêm La).

- các cha Bentô Hiền và Gioan Huệ (chịu chức quãng tháng 5.1668, tại Xiêm La).

- cha Luca Bền (quãng đầu năm 1669, tại Xiêm La).

- cha Manuel Bổn (quãng đầu năm 1673, tại Xiêm La).

- các cha Philipphê Trà và Đômingô Hảo (ngày 18.7.1677, tại Xiêm La).

Ngoài ra, chúng ta còn phải kể tới Đức cha Phanxicô Pérez. Ngài được đào tạo tại Chủng viện Thánh Giuse, và chịu chức linh mục đồng thời với cha Giuse Trang, ngày 31.3.1668. Sau này ngài trở thành giám mục hiệu tòa Bugie, làm Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong (1691-1728).

 

&

 

Để kết thúc, chúng ta hãy nhớ lại rằng Tòa Thánh đã sai các giám mục người Pháp đi lập hàng giáo sĩ Việt Nam. Các ngài cùng với các thừa sai tháp tùng đã họp công đồng tại Ajuthia năm 1664. Tuy nhiên, công đồng này đã không trực tiếp khai triển rộng rãi và cụ thể Huấn Thị năm 1659 mà Thánh bộ Truyền bá Đức tin đã ban, đặc biệt về vấn đề thiết lập hàng giáo sĩ địa phương. Ngoài ra, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp rất lớn của công đồng này vào sự thành hình và phát triển của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Điển hình là sự thành công đáng ca ngợi của tập Huấn Thị Ajuthia qua các thế hệ thừa sai khác nhau. Và những quyết định của công đồng này cũng đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các Giáo Hội địa phương tại vùng Đông Nam Á, đối diện với chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha, đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam tại hai miền Đàng Ngoài và Đàng Trong ngày đó.

 

Tại Pháp, ngày 30.3.2009

Đào Quang Toản

 

 

 



[1] Để trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi có được một số tài liệu sau :

- Ký sự của Đc Lambert từ ngày 22.10.1663 đến ngày 22.5.1665, (AMEP, vol. 121, p. 657-686 ; vol. 876, p. 69-95). (Lưu ý : AMEP = Archives des Missions Étrangères de Paris).

- Thừ từ của Đc Lambert trong năm 1664, (26 lá thư tiếng Pháp, và 4 tiếng la tinh).

- Đc Pallu : tập Đoản Ký Truyền Giáo và Hành Trình, tựa là : Relation abrégée des missions et des voyages des evesques françois, envoyez aux royaumes de la Chine, Cochinchine, Tonquin, & Siam. Par Messire François Pallu, Paris, Denys Bechet, 1668, 148 pages.

- Ký sự của Đc Pallu : « Ce qui s’est passé de plus remarquable dans tous les lieux de nos missions depuis mon arrivée à Siam jusques au temps de mon retour en Europe » (s.d.), (AMEP, vol. 856, p. 437-497).

- Đc Pallu : các thư ngày 17.2, ngày 14.10 và ngày 20.10.1664, (AMEP, vol. 101, p. 211-213, p. 215-217, p. 219-221).

- Đc Pallu : ký sự 1658-1665 bằng tiếng la tinh (AMEP, vol. 101, p. 277-292).

[2] Bourges (Jacques de), Relation du voyage de Monseigneur l’évêque de Bérythe, Vicaire apostolique du Royaume de la Cochinchine, par la Turquie, la Perse, les Indes, etc. jusqu’au royaume de Siam et autres lieux, Paris, Denis Béchet, 1666, trang 164.

[3] AMEP, vol. 121, p. 656.

[4] Adrien Launay lại không nhắc chi tới thừa sai Chevreuil trong cuốn Histoire de la Mission de Siam (1662-1811), Paris, Téqui, 1920, trang 7 : « Ngài được tháp tùng bởi ba linh mục thừa sai Laneau, Hainques và Brindeau, và bởi một giáo dân trợ tá, ông Chameson-Foisy ».

[5] AMEP, vol. 136, p. 360-362.

[6] AMEP, vol. 876, p. 72.

[7] - Guennou (Jean), Missions Étrangères de Paris, Paris, Fayard, 1986, trang 122.

- Forest (Alain), Les missionnaires français au Tonkin et au Siam, XVIIè - XVIIIè siècles, (livre 1), Paris, lHarmattan, 1998, trang 177.

- Fauconnet-Buzelin (Françoise), Le père inconnu de la mission moderne : Pierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine, 1624-1679, Paris, Archives des Missions Étrangères, 2006, trang 316.

[8] - Launay (Adrien), Histoire de la Mission de Siam. Documents historiques, tome I, Paris, Téqui, 1920, trang 11.

- Baudiment (Louis), François Pallu, principal fondateur de la Société des Missions étrangères (1626-1684), Paris, Archives des Missions Étrangères, (rééditions), 2006, trang 195.

- Van Der Cruysse (Dirk), Louis XIV et le Siam, Paris, Fayard, 1991, trang 181.

- Van Grasdorff (Gilles), La belle histoire des Missions étrangères : 1658-2008, Paris, Perrin, 2007, trang 94.

[9] « Par la précaution que j’ai prise à l’arrivée de Mgr d’Héliopolis et de quatre de nos chers missionnaires et de Mr Chamesson par laquelle je les ai priés que nous ne parlassions d’aucune nouvelle qu’après trois jours. » (AMEP, vol. 858, p. 71).

[10] « Ils convinrent dès leur abord qu’on ne parlerait d’aucune nouvelle qu’après 3 jours, et qu’on s’occuperait seulement à rendre grâce à la divine bonté, de la miséricorde qu’elle leur faisait d’avoir permis une entrevue si surprenante. » (AMEP, vol. 876, p. 72).

[11] AMEP, vol. 101, p. 211.

[12] AMEP, vol. 858, p. 73.

[13] AMEP, vol. 856, p. 442.

[14] Louis Baudiment, SĐD, trang 195.

[15] AMEP, vol. 856, p. 446.

[16] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 25. (Tất cả những bản văn trích dẫn từ cuốn sách này, chúng tôi sẽ dựa theo bản dịch tiếng Việt của Sr Elisabeth Thiết, Mến Thánh Giá Chợ Quán).

[17] Xem Đc Pallu, thư ngày 7.2.1664 : AMEP, vol. 101, trang 212.

[18] AMEP, vol. 858, p. 67.

[19] AMEP, vol. 858, p. 73.

[20] AMEP, vol. 121, p. 565.

[21] AMEP, vol. 121, p. 567.

[22] AMEP, vol. 856, p. 443.

[23] Tức từ tháng 2 tới tháng 6 năm 1664, là tháng họ sẽ xuống tàu rời Xiêm La, theo dự tính lúc đó.

[24] AMEP, vol. 858, p. 72.

[25] AMEP, vol. 121, p. 661.

[26] Xem Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 18.

[27] Đây là nguyên văn đoạn ký sự quan trọng, nhưng ít người biết đến : « Après donc avoir appris la belle vie et l’heureuse mort de Mgr de Métellopolis et Mrs Meusnier, Périgaud, Chéreau, Brunel et Danville, missionnaires et de celle de Mr Fortis de Claps, laïque, et leur avoir rendu les derniers devoirs, l’on fit l’ouverture de cette grande action synodale le dernier février 1664. Cette occupation si importante empêcha qu’on ne pût vaquer à la conversion des âmes comme l’on eut pu faire. » (AMEP, vol. 121, p. 661 ; hay, vol. 876, p. 73).

[28] Françoise Fauconnet-Buzelin, SĐD, trang 321 : « Ce synode s’ouvre le ‘dernier de février’ et durera une bonne partie du mois de mars. »

[29] Josef Metzler, Die Synoden in Indochina : 1625-1934, Paderborn, F. Schöningh, 1984, trang 15 : « Das genaue Datum dieser ersten Synode Indochinas steht nicht festIm Titel der Instruktionen ist lediglich das Jahr 1665 angegeben. Da Pallu bereits am 19. Januar 1665 Ajuthia verließ, um in Rom die Approbation der Synodalbeschlüsse zu erbitten, ist dies der äußerste Terminus ad quem der Synode. Wegen der umfangreichen Synodalarbeiten muß man wohl den Beginn der Synode schon auf Ende 1664 ansetzen. » (Ngày tháng chính xác đoạn thứ nhất của Công Đồng Đông Dương [tức công đồng Ajuthia] thì không xác định rõ. Đề tài của Huấn Thị thì chỉ có cho biết rõ là năm 1665. Bởi vì ngày 19.1.1665, Đức Cha Pallu đã rời Ajuthia để về Rôma thỉnh xin sự chuẩn nhận các quyết định của Công Đồng. Sự chuẩn nhận này là công việc rất quan trọng của Công Đồng. Vì những việc làm của Cồng Đồng rất bao la, nên để bắt đầu cho cuộc họp Công Đồng, người ta phải tập trung làm việc vào cuối năm 1664.), (bản dịch tiếng Việt của Sr Agatha Xanh, Mến Thánh Giá Thủ Thiêm). 

[30] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 44-46.

[31] Josef Metzler, SĐD, trang 16.

[32] AMEP, vol. 121, p. 663.

[33] AMEP, vol. 121, p. 668.

[34] Jean Guennou, SĐD, trang 127.

[35] Thư của Đc Lambert gửi cha Bourges : AMEP, vol. 121, p. 575.

[36] Chúng ta chỉ có được bản sao lá thư này của Đc Lambert gửi cha Bourges, (AMEP, vol. 121, p. 574), và bản sao lại không ghi chú ngày tháng của lá thư. Mặt khác, Françoise Fauconnet-Buzelin nhận xét rằng năm 1664, Đc Lambert gặp được bốn cơ hội để gửi thư về Âu châu : giữa tháng 2, giữa tháng 5, giữa tháng 10 và tháng 11. (SĐD, trang 355, ghi chú 2).

[37] AMEP, vol. 121, p. 576.

[38] AMEP, vol. 856, p. 446.

[39] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 46-48.

[40] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 26-27.

[41] Henri Chappoulie đã xuất bản tài liệu này tại Paris, (không đề nhà xuất bản) : Une controverse entre missionnaires à Siam au XVIIè siècle. Le Religiosus Negotiator du jésuite français J. Tissanier, suivi de quelques documents concernant le commerce des clercs, Paris, 1943, XXI-77 trang.

[42] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 31-32.

[43] AMEP, vol. 121, p. 674-675.

[44] AMEP, vol. 856, p. 471.

[45] AMEP, vol. 121, p. 577.

[46] AMEP, vol. 121, p. 585.

[47] Vào thời điểm này, tất cả họ là : Đc Lambert, Đc Pallu, các cha Deydier, Brindeau, Hainques và Laneau, và giáo dân Chamesson. Còn cha Chevreuil thì đã đi Đàng Trong rồi.

[48] AMEP, vol. 121, p. 582.

[49] AMEP, vol. 121, p. 674.

[50] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 34-35.

[51] Jean Guennou, SĐD, trang 129.

[52] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 48-49.

[53] Xem AMEP, vol. 121, trang 680.

[54] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 51. Còn theo ký sự của Đc Lambert thì là ngày 20.1.1665 : AMEP, vol. 121, p. 683.

[55] Jean Guennou, SĐD, trang 129.

[56] Xem Louis Baudiment, SĐD, trang 248.

[57] Sắc lệnh Cum civitas Iuthia, ngày 4.6.1669.

[58] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tóm Lược Tiểu Sử Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, Tp Hồ Chí Minh, Lưu Hành Nội Bộ, 2008, trang 27.

[59] Jean Guennou, SĐD, trang 126.

[60] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, SĐD, trang 28.

[61] Trong cuốn Khơi Nguồn Tiến Bước, Lưu Hành Nội Bộ, năm 2004, trang 29-240. (Các bản văn của Huấn Thị Ajuthia được trích dẫn trong bài viết này là trực tiếp theo bản dịch của Khơi Nguồn Tiến Bước, hay nương theo bản dịch đó).

[62] Jean Guennou, SĐD, trang 126.

[63] Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, Tome I, Paris, Téqui, 1894, (réédité en 2003), trang 108.

[64] St Thomas d’Aquin, Somme Théologique, IIa IIae, q.2, a.7, ad 3 : « Si certains ont été sauvés sans avoir reçu la révélation, ils ne l’ont pas été sans la foi au Médiateur. Car, même s’ils n’eurent pas une foi explicite, ils eurent pourtant une foi implicite en la Providence divine, croyant que Dieu était le libérateur des humains de la manière qui lui plaisait, et selon que l’Esprit l’avait révélé à ceux qui connaissent la vérité ».

[65] Công đồng Trentô, Sắc Lệnh về sự Công chính hóa, ngày 13.1.1547. - Giáo huấn trên, ngày nay chúng ta vẫn lập lại khi dâng thánh lễ với Kinh Tạ Ơn số IV : « … khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha… »

[66] Thánh Augustinô, Retractationes I, 13, 3, (theo bản dịch tiếng Pháp của Henry de Riancey).

[67] Chương 6, tiết 5 : « Lương dân có thể nhận ra Người qua một vài điềm báo ứng của họ ».

[68] Xem Chương 6, tiết 8 : « Giải đáp cho thắc mắc thường gặp nơi lương dân ».

[69] Sy (Henri), La Société des Missions Étrangères. La fondation du Séminaire : 1663-1700, Paris, Églises d’Asie, collection Études et Documents n°10, 2000, trang 108.

[70] Ví dụ : AMEP, vol. 121, p. 627-628 (Ký sự tháng 6.1662) ; AMEP, vol. 116, p. 553-554, 559 (Thư gửi cha Vincent de Meur, 1662) ; AMEP, vol. 121, p. 657-658 (Ký sự cuộc tĩnh tâm tháng 10.1663).

[71] AMEP, vol. 121, p. 582. (Đoạn thư này đã trích dẫn ở trước).

[72] Archives de la Propaganda Fide : Archivio Storico, Acta C.P., vol. 1A, fol. 121. (Bản dịch tiếng Việt của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử - Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, Tp Hồ Chí Minh, Lưu Hành Nội Bộ, 1998, trang 101).

[73] Bản dịch tiếng Việt của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, SĐD, trang 99-100.

[74] Bản dịch tiếng Việt của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, SĐD, trang 102.

[75] Để biết chi tiết về những điểm này, có thể đọc : Launay (Adrien), Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, tome I, SĐD, trang 173-178 ; Sy (Henri), SĐD, trang 95-103 ; Metzler (Josef), SĐD, trang 31-34.

[76] « les vœux ne contiennent rien de blâmable, ni rien qui puisse être frappé de censure théologique », (Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, tome I, SĐD, trang 175).

[77] Henri Sy, SĐD, trang 103.

[78] Về điểm cụ thể này, có thể đọc : Jean Guennou, SĐD, trang 131 ; hay Josef Metzler, SĐD, trang 32.

[79] Theo Louis Baudiment, Ủy ban Đặc biệt này gồm bốn hồng y được thành lập do chính yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX sau khi tiếp Đc Pallu vào tháng 10.1667. (Xem Louis Baudiment, SĐD, trang 227).

[80] AMEP, vol. 169, p. 31 : « Decretum super votis missionarii ». (Bản dịch tiếng Pháp trong Henri Sy, SĐD, trang 104).

[81] Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, tome I, SĐD, trang 176. Lưu ý : Khi xuất bản đoạn văn trên, Launay đã quên không cho biết xuất xứ từ đâu. Tuy nhiên, đoạn văn trên rất giống với đoạn thư của Đc Pallu viết cho thừa sai Deydier, ngày 28.12.1670, (xem A. Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome I, SĐD, trang 119 ; hay Henri Sy, SĐD, trang 105).

[82] AMEP, vol. 116, p. 577 ; vol. 169, p. 29 : « Inter caetera negotia ». (Bản dịch tiếng Pháp trong Henri Sy, SĐD, trang 104).

[83] Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome I, SĐD, trang 120.

[84] AMEP, vol. 858, p. 215.

[85] AMEP, vol. 854, p. 222.

[86] AMEP, vol. 854, p. 221.

[87] Bénigne Vachet, Chuyện Đức Cha Lambert, Cao Kỳ Hương dịch thuật, Toulouse, 2005, trang 42-43.

[88] Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome I, SĐD, trang 119.

[89] Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, tome I, SĐD, trang 178.

[90] Jean Guennou, SĐD, trang 131.

[91] Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome I, SĐD, trang 95-96.

[92] Bản dịch của Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Huế, báo Sacerdos Linh Mục Nguyện San, số 43, tháng 7 năm 1965, trang 429.

[93] Ký sự của Đc Lambert : AMEP, vol. 121, p. 661.

[94] Mgr Pallu, Relation Abrégée…, SĐD, trang 44-46.

[95] Chương X, tiết 3.